Những loại virus gây chết người kinh khủng nhất mọi thời đại
- Y học 360
- 20:04 - 15/02/2020
Cuộc chiến giữa con người và virus đã tồn tại từ rất lâu. Nhờ có vắc-xin và thuốc, chúng ta mới có thể ngăn ngừa và chữa bệnh do virus gây nên. Dù vậy, mức độ nguy hiểm chết người của virus là điều không thể phủ nhận. Elke Muhlberger, chuyên gia về virus kiêm phó giáo sư vi sinh học tại Đại học Boston cho biết, có loại virus giết chết tới 90% người mắc. Dưới đây là tổng hợp những loại virus gây chết người nhất hiện nay:
Virus Marburg
Các nhà khoa học đã phát hiện loại virus này vào năm 1967, khi các nhân viên trong phòng thí nghiệm ở Đức tiếp xúc với khỉ nhiễm bệnh từ Uganda. Virus Marburg tương tự như Ebola do chúng có thể dẫn tới sốt xuất huyết, sốc, suy đa tạng và gây tử vong.
Tỷ lệ tử vong trung bình trong đợt bùng phát đầu tiên của virus này là 25%. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số này lên tới 80% ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1998-2000 và Angola vào năm 2005.
Virus Ebola
Trường hợp mắc Ebola đầu tiên xảy ra đồng thời ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976. Virus này lây lan qua đường máu, tiếp xúc với các chất dịch cơ thể hoặc mô từ người và động vật nhiễm bệnh.
Mức độ nguy hiểm của mỗi chủng Ebola là khác nhau. Trong khi chủng Ebola Reston không gây bệnh, chủng Ebola Bundibugyo lại có thể dẫn tới tử vong 50%. Con số này là 71% đối với chủng Sudan.
Theo WHO, virus này xuất hiện ở Tây Phi vào đầu năm 2014 và từng biến nơi này thành ổ dịch lớn nhất thời đó.
Virus bệnh dại
Mặc dù vắc-xin phòng bệnh dại đã được phổ biến rộng rãi, bệnh này vẫn là vấn đề nan giải ở Ấn Độ và châu Phi.
Theo chuyên gia Muhlberger, nó phá hủy não bộ và là một căn bệnh thực sự nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, dù có vaccine phòng bệnh đi chăng nữa, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 100%.
HIV
Trong thế giới hiện đại ngày nay, HIV có thể được coi là virus nguy hiểm nhất. Amesh Adalja, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm kiêm phát ngôn viên của Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ cho biết, ước tính 36 triệu người đã chết vì HIV kể từ khi bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1980. Bệnh truyền nhiễm gây thiệt hại lớn nhất cho nhân loại hiện nay là HIV.
Nhờ sự phát triển của y học, người mắc HIV có thể sống thọ hơn trước. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Theo thống kê của WHO, cứ 20 người thì có 1 người trưởng thành ở châu Phi nhiễm HIV.
Đậu mùa
Năm 1980, Hội đồng Y tế Thế giới đã tuyên bố loại bỏ được hoàn toàn bệnh đậu mùa. Tuy nhiên trước đó, con người phải chiến đấu với bệnh này trong hàng ngàn năm. Không chỉ gây tử vong, chúng còn để lại cho người sống sót những vết sẹo sâu, vĩnh viễn không thể điều trị, thường là mù lòa.
Virus Hanta
Hội chứng phổi Hantavirus (HPS) lần đầu tiên được biết đến vào năm 1993 khi một người đàn ông ở Mỹ qua đời vì khó thở. Vài tháng sau, các chuyên gia đã xác định người này bị lây bệnh từ một con chuột sống trong nhà. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, virus Hanta không lây truyền từ người sang người, bạn chỉ mắc khi tiếp xúc với phân của chuột nhiễm bệnh.
Virus cúm
Theo WHO, thông thường trong mỗi mùa cúm sẽ có tới 500 nghìn người trên toàn thế giới chết vì căn bệnh này. Khi chủng virus cúm mới xuất hiện, một đại dịch nhiều khả năng sẽ xảy ra và gia tăng tỷ lệ tử vong lên gấp nhiều lần.
Đại dịch cúm nguy hiểm nhất trong lịch sử là cúm Tây Ban Nha năm 1918. 40% dân số thế giới mắc bệnh này và tổng số người tử vong lên tới 50 triệu người.
Virus sốt xuất huyết
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1950 ở Philippines và Thái Lan, virus này đã lan rộng tới khắp các quốc gia ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu. Theo thống kê có tới 40% dân số thế giới hiện đang sống ở những khu vực có thể mắc bệnh sốt xuất huyết.
Dù hiện tại không có vaccine chống sốt xuất huyết, các thử nghiệm lâm sàng về vaccine đã cho ra những kết quả đầy hứa hẹn.
Virus Rota
Hiện nay có hai loại vắc-xin giúp bảo vệ trẻ em khỏi virus Rota, tác nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có thể lây lan nhanh chóng thông qua đường phân-miệng.
WHO ước tính trên toàn thế giới có 453 nghìn trẻ dưới 5 tuổi đã chết vì nhiễm virus Rota vào năm 2008.
(Nguồn: Livescience)