THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:14

Những kịch bản trả đũa 'sấm sét' của Nga nếu Mỹ tấn công Syria

 

Tàu khu trục Mỹ Donald Cook phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Nationalinterest

Tàu khu trục Mỹ Donald Cook phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Nationalinterest

 

Trong những ngày này, liên tục xuất hiện tin đồn về việc các “tài sản” quân sự đang lặng lẽ hướng tới Syria, máy bay do thám và chiến đấu tuần tiễu khắp vùng trời Syria và lân cận. Hôm 9/4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Donald Cook của Mỹ đã rời cảng Larnaca ở Cyprus hướng về Syria. Ngày 11/4, tàu sân bay Mỹ Harry S. Truman, được nhóm tàu tấn công hộ tống, cũng lên đường tới Trung Đông. Quân đội Mỹ tại Trung Đông dường như đang sẵn sàng chờ lệnh từ Washington trong lúc Tổng thống Donald Trump cân nhắc các lựa chọn "xử lý" Syria liên quan đến nghi án tấn công vũ khí hoá học ở Douma, bất chấp sự bác bỏ từ cả Damascus và Moskva. 
Trong bối cảnh Nga và Syria đã khá “rảnh tay” trong cuộc chiến chống IS, một cuộc tấn công của Mỹ vào thời điểm này được cho là sẽ không êm xuôi như một năm về trước. Vậy Nga có thể đáp trả ra sao nếu Mỹ quyết định không kích các mục tiêu Syria?
 
 
Đánh chìm tàu chiến Mỹ phóng Tomahawk
Đại sứ Moskva tại Lebanon Alexander Zasypkin ngày 11/4 đã cảnh báo, quân đội Nga bảo lưu quyền bắn hạ tên lửa và huỷ diệt các điểm phóng trong trường hợp Mỹ tấn công Syria. Đài truyền hình Al-Manar (Lebanon) dẫn lời ông Zasypkin nhấn mạnh rằng “các  lực lượng Nga sẽ đối mặt với bất cứ hành động gây hấn nào của Mỹ với Syria, bằng cách đánh chặn tên lửa và tấn công các bệ phóng của họ”.
 
Su-34 Nga phóng tên lửa Kh-35.

Su-34 Nga phóng tên lửa Kh-35.

 

Mỹ có thể huy động nhiều lực lượng tấn công, nhưng kịch bản dễ thấy nhất là họ sẽ phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ phía đông Địa Trung Hải vào các mục tiêu Syria. Tên lửa Tomahawk có độ chính xác cao, từng được sử dụng trong đợt không kích tháng 4/2017, nhưng lần này Mỹ có thể huy động nhiều “tài sản” khác như máy bay ném bom B-2, tiêm kích F-22 Raptor. Dù cho "tài sản" nào được sử dụng thì hầu như chắc chắn Nga có đủ khả năng phóng hoả lực đáp trả vào các tàu chiến nơi phóng tên lửa.
Phi đội Flanker (Su-27) của Nga hiện đang liên tục tuần tiễu vùng trời Tartus, nơi đặt quân cảng chính của Nga tại Syria, mang theo tên lửa chống hạm Kh-35 đã củng cố giả thuyết này.
Theo trang The Drive, Nga cũng đang duy trì hệ thống phòng không bờ biển Bastion-P, mỗi hệ thống bao gồm một lượng lớn các bệ phóng di động, mỗi bệ đặt 2 tên lửa P-800 Onik. Đây là loaị tên lửa chống hạm siêu thanh, có khả năng rẽ nước tiên tiến, chính thức được đưa vào lực lượng Nga tại Syria vào tháng 11/2016. Độ chính xác thực sự của loại vũ khí này thì vẫn chưa được giới quan sát quân sự nắm rõ, nhưng P-800 Onik sử dụng radar quét mục tiêu ở giai đoạn cuối của hành trình bay, cho phép tên lửa tìm kiếm và khoá mục tiêu tàu kể cả khi đang xuyên qua môi trường nước biển. 
Nhưng liệu Nga có thực sự dám đánh chìm một tàu chiến Mỹ với hàng trăm thuỷ thủ trên boong để đáp trả một vụ tấn công tương đối yếu hơn mà Mỹ giáng xuống Syria. Các chuyên gia phương Tây cho rằng, kịch bản này ít khả năng xảy ra. Nếu làm như vậy, Nga sẽ lập tức mở ra một chiến trường của hải quân. Một đòn trả đũa như vậy sẽ là động thái quá nghiêm trọng, có thể dẫn đến leo thang xung đột trực tiếp Nga - Mỹ. 
Thay vào đó, Moskva nhiều khả năng sẽ kiểm soát cuộc xung đột ở bên trong đường biên giới Syria bằng cách tấn công đáp trả vào một loạt các lợi ích Mỹ ở Đông Syria. Đây có thể là những căn cứ Mỹ hậu thuẫn lực lượng vũ trang không phải người Kurd nhưng chống Tổng thống  Assad, như Liên minh Syria Arab. Các căn cứ huấn luyện của Mỹ gần thành phố At Tanf, gần biên giới Syria với Iraq và Jordan cũng là một mục tiêu hấp dẫn. Căn cứ này trên thực tế đã dính một cuộc tấn công đường không nhiều đợt và bí ẩn được cho là của Nga xảy ra vào tháng 6/2016.  
Các địa điểm khác có thể lọt vào kế hoạch trả đũa của Nga nằm rải rác xa hơn về phía bắc như tại Raqqa và phía đông là Deir ez-Zor. Một lần nữa, Nga có thể nhắm vào các lợi ích Mỹ ngay trên lãnh thổ Syria mà không sợ giết “nhầm” lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn và Nga cũng có quan hệ đồng minh cho dù mối quan hệ này đã xuống thấp những tháng gần đây.
Trong trường hợp có thương vong Mỹ trong những cuộc không kích này, Moskva có thể cho rằng, họ cũng chịu tổn thất tương tự bởi các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào cơ sở quân sự của chính quyền Damascus.
Ra cảnh báo ngắn gọn với Mỹ cũng là một khả năng Nga có thể làm, nhưng điều đó có thể làm giảm cơ hội tên lửa hành trình của họ thực sự đánh trúng mục tiêu. Nhưng ngay cả khi các lực lượng Mỹ đã dọn dẹp trước để tránh bị Nga tấn công, thì việc phá huỷ cơ sở hạ tầng tại các khu vực tiền tuyến cũng có thể được coi là chiến thắng với Moskva.
Huy động tàu ngầm cùng đội máy bay chiến thuật, chiến lược
Đưa máy bay chiến đấu tham gia sứ mạng trả đũa Mỹ có thể gây tổn thất lớn với phi đội máy bay chiến thuật Nga dưới tay chiến đấu cơ Mỹ, trong đó có đội “Mãnh điểu" F-22, hiện đang liên tục quét ngang dọc không phận. 
Nhiều khả năng hơn là Điện Kremlin sẽ chuyển sang các loại tên lửa hành trình hạm đối đất hoặc không đối đất để tấn công mục tiêu Mỹ tại Syria. Hiện tại, tàu khu trục Đô đốc Essen thuộc lớp Đô đốc Grigorovich của Hải quân Nga, có thể mang 8 quả tên lửa hành trình đối đất Kalibr, đã có mặt ở Đông Địa Trung Hải, trong khoảng cách có thể tấn công mục tiêu Mỹ tại Syria. Một tàu lớp Đô đốc Grigorovich khác đậu tại Biển Đỏ cũng di chuyển vào vị trí sẵn sàng.
Nga cũng duy trì một số lượng lớn tàu ngầm trang bị tên lửa Kalibr đang hoạt động trên Địa Trung Hải. Cuối năm 2017, hai tàu ngầm lớp Kilo Cải tiến đã vào vùng biển này, cả hai đều mang theo tên lửa hành trình. Trong khi đó, các tàu lớp Kilo thuộc Hạm đội Biển Đen vẫn đang hoạt động cố định trong khu vực.
 
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình. Ảnh: Sputnik

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình. Ảnh: Sputnik

 

Bằng cách tấn công từ Địa Trung Hải, Moskva có thể tránh được việc phải xin phép nước thứ ba cho tên lửa Nga bay ngang qua không phận. Mặt khác, họ không phải mạo hiểm đối đầu với nguy cơ bị phản ứng ngoại giao, hay trong trường hợp xấu, tên lửa có thể rơi dọc đường xuống một trong những nước thứ ba. Hồi năm 2015, tàu chiến trên biển Caspian của Nga đã nã tên lửa hành trình Kalibr vào mục tiêu khủng bố tại Syria, nhưng một vài quả đã rơi xuống lãnh thổ Iran. Trong khi đó, hạm đội tàu chiến Nga từ Biển Đen sẽ phải bắn tên lửa ngang qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ, còn nếu phóng từ Biển Đỏ, tên lửa phải ngang qua Saudi Arabia, có thể cả Jordan, vốn là đồng minh của Mỹ, trước khi đến được Syria.
Một lựa chọn khác là điều máy bay ném bom tầm xa, nhiều khả năng là Tu-22M3, Tu-160M Thiên Nga Trắng, Gấu Tu-95M, mang theo tên lửa hành trình không đối đất Kh-55 và Kh-101 xuất phát từ Địa Trung Hải.  Moskva từng sử dụng các máy bay chiến lược này, xuất phát từ căn cứ trong lãnh thổ Nga tham gia tấn công mục tiêu tại Syria. Nhưng trong trường hợp này, các quốc gia đồng minh của Mỹ có thể gây trở ngại không cho máy bay chiến lược Nga bay ngang không phận. Ngoài ra, việc sử dụng máy bay ném bom cũng dễ bị Mỹ phát hiện hơn.
Ngoài ra giới phân tích còn đánh giá khả năng Nga tận dụng cơ hội để biểu dương năng lực vũ khí mới. Không quân Nga từng tuyên bố họ đã trang bị tên lửa Kh-47M2 Kinzhal, một phiên bản không đối đất của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M, cho các đơn vị MiG-31 chuyên đánh chặn ở Quân khu Phương Nam Nga. 

máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga có thể tấn công bằng tên lửa hành trình không đối đất Kh-55 và Kh-101. Ảnh: defense.ru

Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga có thể tấn công bằng tên lửa hành trình không đối đất Kh-55 và Kh-101. Ảnh: defense.ru

 

Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ Kremlin có sẵn sàng lần đầu tiên tung loại vũ khí này ra trận hay không, và cũng chưa rõ hệ thống Kh-47M2 có lựa chọn cho đầu đạn thông thường không.
Nga đã sử dụng chiến trường Syria làm nơi “triển lãm” các loại vũ khí mới nhất của mình trong những năm qua, nhưng chủ yếu cho cuộc chiến chống khủng bố IS và phiến quân chống chính phủ Syria. Nhưng để tấn công đáp trả nhằm vào mục tiêu Mỹ, họ có thể sẽ nghiêng về phương án sử dụng các hệ thống vũ khí đã qua thực tế, cho dù mục tiêu là gây thương vong thật sự hay chỉ nhằm "cảnh cáo".
Tránh đối đầu trực tiếp
Một kịch bản khác là Moskva có thể quyết định tránh tấn công trả đũa trực tiếp bằng cách hậu thuẫn cho lực lượng chính phủ Syria hoặc Iran tiến hành những vụ tấn công đối đầu với Mỹ. Iran đã thể hiện năng lực phóng tên lửa đạn đạo từ lãnh thổ vào mục tiêu tại Syria nhằm hỗ trợ Tổng thống Assad. Quân đội Syria cũng được trang bị các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud, nhưng chưa rõ kho vũ khí này của họ còn lại bao nhiêu sau 7 năm nội chiến.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh