THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:40

Những hãng công nghệ vướng nghi án 'gián điệp'

Nghi án Lenovo cài phần mềm gián điệp đang được rất nhiều người dùng quan tâm - Ảnh: Reuters

 

Lenovo: phần mềm LSE
Trong thời gian gần đây, chúng ta nhắc nhiều tới Lenovo, khi hãng này bị tình nghi sử dụng phần mềm gián điệp trên laptop, máy tính người dùng. Dù vụ việc này được công ty Trung Quốc phủ nhận, nhưng phần đông người dùng vẫn cảm thấy bất an vì các phần mềm này rất khó gỡ bỏ.
Cụ thể, vào tháng 5.2014, một số người dùng laptop của Lenovo cho biết họ tự động bị cài các phần mềm trái phép lên máy. Thay vì đem tới hiệu quả trong công việc, các phần mềm do Lenovo phát hành được coi là phần mềm rác gây phiền phức, chiếm dụng tài nguyên.
Vô hình chung, việc tự ý cài đặt các phần mềm của hãng lên một chiếc laptop mà không có sự cho phép của người dùng, thực chất giống như Lenovo đang cài một loại phần mềm độc hại lên máy tính cá nhân của người dùng để đảm bảo những người không muốn cũng không thể xóa bỏ chúng.
Tất nhiên, sau vụ việc trên, Lenovo phải đưa ra thông báo rằng những dữ liệu họ thu thập hoàn toàn không phải dữ liệu cá nhân. Đồng thời, Lenovo phải tung ra giải pháp để khắc phục, như đưa ra các bản vá, cập nhật BIOS, nhưng buộc người dùng phải tự cập nhật.
Xiaomi: theo dõi thông tin người dùng

 Smartphone Xiaomi từng vướng phải nghi án theo dõi người dùng - Ảnh: Reuters

Bản thân Xiaomi, nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới hiện nay cũng từng vướng phải nghi án theo dõi người dùng trái phép. Những báo cáo từ tháng 7.2014 cho thấy, công ty này tự động gửi trái phép những thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng smartphone Xiaomi.
Điều đáng nói là các thông tin này đã được gửi về các máy chủ đặt tại Trung Quốc, mà không hề đưa ra một cảnh báo nào. Thậm chí, vụ việc còn được đẩy lên cao trào tại Việt Nam khi đại diện Bkav từng khẳng định, đã tìm ra bằng chứng cho thấy chiếc điện thoại Trung Quốc đã gửi đi dữ liệu nhạy cảm.
Các dữ liệu này bao gồm: số điện thoại và nội dung tin nhắn của người dùng ra máy chủ nước ngoài. Thậm chí, ngay cả với hình thức root máy, hoặc cài đặt lại bản ROM khác thì việc trao đổi dữ liệu ngầm vẫn diễn ra ngang nhiên. Ngay lập tức, Xiaomi đã nhận về rất nhiều chỉ trích.
Họ đã lên tiếng thừa nhận rằng, các smartphone của mình đã tự động kết nối và tải dữ liệu lên máy chủ. Thế nhưng, công ty Trung Quốc vẫn một mực khẳng định, bản thân hoạt động gửi đi thông tin cá nhân người dùng chỉ là cách để Xiaomi cải thiện chất lượng, dịch vụ sản phẩm, thay vì có ý đồ xấu.
Microsoft: ông lớn cũng đóng vai gián điệp?

Windows 10 cũng từng bị tố theo dõi người dùng - Ảnh: Reuters

Không chỉ các nhà sản xuất tới từ Trung Quốc, mà cả các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft cũng gặp phải nghi án này. Cụ thể, vào tháng 8.2015, ít ngày sau khi Windows 10 được phát hành, lập trình viên Jonathan Porta đã tuyên bố Windows 10 khai thác thông tin người dùng trái phép.
Lập trình viên Jonathan Porta cho biết, đây hoàn toàn không phải là một lỗ hổng bảo mật thông thường. Nó xuất hiện trên chính các thiết lập mặc định của Windows 10, và núp bóng dưới những thiết lập này. Trong đó, cơ chế bảo mật "mập mờ" của Microsoft là kẽ hở cho quá trình này diễn ra.
Theo anh này, Windows 10 được thiết kế để liên tục cải thiện, đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin với máy chủ của Microsoft. Còn về phía công ty có trụ sở tại Redmond, đây chỉ đơn thuần là phương pháp giúp cải thiện trải nghiệm Windows 10 và không hề có ý xấu.
Tuy nhiên, Jonathan Porta cho rằng, có hai vấn đề tồn tại trong điều khoản của Microsoft. Thứ nhất, công ty này không hề nêu chính xác kiểu dữ liệu nào sẽ được thu thập. Thứ hai, Microsoft chỉ nhắc tới các đối tác tin cậy, mà không hề nêu đích danh những công ty thứ ba có quyền xử lý dữ liệu từ Windows 10.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh