Những giấc ngủ trên vỉa hè Sài Gòn
- Y học 360
- 01:36 - 25/10/2016
Đường là nhà, vỉa hè là giường
2 giờ một ngày giữa tháng 10, mưa lã chã rơi. Chạy dọc tuyến đường 3 Tháng 2 (Q.10), nhìn hai bên đường, có cả hàng chục người đang chìm vào giấc ngủ. Không chiếu cũng chẳng giường, họ lấy bậc thềm nhà, vỉa hè để ngả lưng.
Chẳng riêng gì tuyến đường 3 Tháng 2 mà những hình ảnh này xuất hiện ở hầu hết trên các nẻo đường ở Sài Gòn. Từ Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), Lý Tự Trọng (Q.1), Lý Thường Kiệt (Q.10), Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh)… đâu đâu cũng có thể bắt gặp những người nằm ngủ co ro. Không ít trong số đó là những người còn trẻ.
Trần Thanh Truyền (28 tuổi, quê ở An Giang), kể đã “lấy đường làm nhà”, “lấy vỉa hè làm giường” hơn 4 tháng nay. Một ngày cuối tháng 5/2016, Truyền nghe lời bạn rủ lên Sài Gòn mưu sinh lập nghiệp. Vay mượn bà con chòm xóm được 4 triệu đồng làm lộ phí. Đến Sài Gòn, bị bạn lừa lấy hết tiền, kể cả giấy tờ tùy thân. Và từ đó, mong ước sẽ có việc làm ổn định, dư dả tiền bạc để gửi về phụ giúp gia đình mà Truyền mỉm cười khi nghĩ đến trên chuyến xe khách từ quê lên đã chính thức tiêu tan. Thay vào đó là những ngày lây lất trên khắp các nẻo đường. Hằng ngày, Truyền đi bộ mệt đến rã rời tìm kiếm những quán cơm, công trường xây dựng để xin việc làm.
“Nhưng chẳng nơi nào nhận cả, vì không có giấy tờ tùy thân”, Truyền buồn bã. Vậy là bước chân Truyền cứ mải miết hết quận này đến quận khác, hết Bình Chánh tới Bình Tân, rồi tiếp tục lang thang sang Tân Phú, Bình Thạnh... Đêm đến, hễ mệt lúc nào là Truyền lại dừng chân, ngủ tạm bên lề đường.
Có vô số những mảnh đời phải sống vất vưởng như Truyền giữa chốn Sài Gòn hoa lệ này. Như Nguyễn Phúc (34 tuổi, quê ở Cà Mau), cũng vì giấc mộng đổi đời, mong có được việc làm mà quyết tâm rời quê lên thành phố. Nhưng khi đặt chân xuống Bến xe Miền Tây cũng là lúc anh phát hiện ra “mình chẳng còn gì cả” vì bị trộm lúc nào chẳng hay. Không có tiền ăn, không một mảnh giấy tùy thân, chỉ còn lại vài bộ quần áo trong ba lô đã cũ mèm. Khóc tức tưởi chẳng thể giải quyết được gì. Về lại quê thì chẳng còn mặt mũi vì đã bất chấp lời ngăn cản của gia đình để xa quê làm ăn. Vậy là Phúc quyết định ở lại Sài Gòn để kiếm sống. “Ngày thì mình đi nhặt ve chai để bán kiếm sống. Đói quá thì vào các chùa xin ăn”, Phúc kể.
Thèm một giấc ngủ ngon
2 giờ sáng, tôi bắt gặp người đàn ông cuộn mình nằm ở vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình), bên cạnh là chiếc xe đạp cà tàng hai bên hông xe đựng đầy chai lọ. Nghe tiếng động kề bên, Huỳnh Văn Hải (28 tuổi, quê ở Bình Thuận) thức giấc. Hải cười: “Cứ tưởng kẻ xấu lại dắt xe đạp của mình”.
Hải tâm sự, ngủ ngoài đường suốt 3 tháng qua, cũng là bấy nhiêu thời gian chẳng có được một giấc ngủ bình yên, trọn vẹn. “Có lúc đang ngủ lại giật mình vì tiếng xe rồ ga. Có khi phải tỉnh dậy vì những ánh đèn xe chiếu vào, vì muỗi đốt, kiến cắn… Chưa bao giờ được ngủ ngon cả”, Hải kể.
Việc không có được giấc ngủ ngon là câu chuyện “chẳng của riêng ai” đối với những người vô gia cư. Nguyễn Phúc (34 tuổi, quê ở Cà Mau) nói những ngày này Sài Gòn hay mưa đêm, có khi đang ngủ lại phải thức giấc vì cơn mưa đổ xuống ướt hết cả người. Cũng vì mưa, đã khiến cho những “giường ngủ” là vỉa hè hẹp hơn. Họ phải nép sát vào bên trong, nghiêng người để ngủ. “Nhiều lần vừa mới chợp mắt được vài chục phút, mưa trút nước ào ào, ướt hết cả lòng đường, vỉa hè, chẳng còn chỗ để ngủ nữa”, Phúc kể. “Khi đó anh phải làm sao?”, tôi hỏi. Phúc trả lời ngay: “Thì thức chứ sao. Hoặc đi kiếm chỗ khác, khô ráo hơn để ngủ”.
Ảnh: X.P.
Huỳnh Quốc Thanh kể trước khi chuyển qua đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10) để ngủ đỡ hằng đêm thì đã từng có thời gian ngủ trên đường Trương Định (Q.3). “Mình ngủ ở trước thềm nhà người ta, bị chủ đuổi hoài. Có lần sáng sớm, mệt quá, nên ngủ mê man, chủ nhà dậy mở cửa đã chửi nặng lời, cấm bén mảng lại ngủ trước nhà nữa”. Cũng theo Thanh, sau đó có thời gian ngủ ở lề đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần công viên Tao Đàn, Q.1), cũng gặp trường hợp tương tự. “Chủ nhà đi về khuya, thấy mình ngủ, đã đuổi đi. Họ sợ mình sẽ quay trở lại ngủ, nên tạt nước ướt hết phía trước nhà. Nghĩ mà buồn lắm. Lúc đó chỉ biết nuốt nước mắt thôi”, Thanh tâm sự.
Tâm tình với những thân phận không nhà này, khi hỏi họ mong điều gì, trái ngược với suy nghĩ của tôi là họ sẽ mong có việc làm ổn định, được về quê sinh sống, có nhiều tiền…, hầu hết đều chỉ mong một ước mơ đơn giản và bình dị, đó là được ngủ một giấc thật ngon, thật bình yên.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Những điều cần biết để bảo vệ sức khỏe khi tập luyện ngoài trời
Tập thể dục mùa hè nhưng cũng đừng quên bảo vệ mình khỏi nắng nóng nhé. Uống đủ nước, chọn thời điểm mát mẻ, mặc đồ thoáng mát, bôi kem chống nắng, lắng nghe cơ thể và điều...
5 tháng trước
Tin nên đọc