THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:21

Những đứa con trong lòng mẹ

 

Sao vậy? Đơn giản là vì đất nước Việt Nam của chúng ta tuy nhỏ bé, nhưng lại có một vị trí địa lý cực kỳ quan trọng trên bản đồ thế giới. Tất cả các hoạt động kinh tế, giao thương hàng hải, quân sự của khu vực và toàn cầu, đều ít nhiều có liên quan đến vị trí địa lý của nước ta và cũng chính vì vậy, nước ta, ngay từ thuở xa xưa luôn bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó, lấn cướp. Kể từ khi dựng nước, dân tộc ta đã phải không ngừng chiến đấu chống lại các thế lực hùng mạnh của đế quốc ngoại bang, gần có và từ rất xa đến cũng có. Để bảo vệ đất đai sinh tồn của Tổ quốc mình, cả dân tộc phải đứng lên tự vệ, hoặc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ vô cùng khổ nhục, đớn đau. Biết bao nhiêu những người con yêu quý của đất nước đã phải từ biệt gia đình ra đi, rồi mãi mãi không trở về. Lại thêm cả những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, khiến bao gia đình tan nát, khổ ải điêu linh. Thế nên, hình ảnh người vợ ngóng chồng từ ngàn xưa đã hóa đá cùng mây trời non nước, để lại biết bao cảm xúc trong tâm hồn nhiều thế hệ người Việt cũng là lẽ đương nhiên vậy!...

Tuy nhiên, cũng không thể khác, song song và đồng thời với hình tượng Vọng Phu, đấy chính là hình ảnh những người mẹ tiễn con ra trận, rồi mòn mỏi ngóng trông những đứa con yêu quý của mình trở về, trong đó có rất nhiều những con trai, con gái của mẹ mãi mãi không bao giờ được trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ thân yêu. Hình tượng người mẹ ngóng con, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ít nhiều cũng đã được phản ánh, nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm văn chương nổi trội, chưa nhiều nghệ sĩ điêu khắc tạc thành tượng đá, chưa thể có một vị trí hàng đầu trong văn chương nghệ thuật đương đại ở nước ta. Đó là một thực tế có thể nói là một khiếm khuyết nữa, khiến chúng ta không thể không quan tâm, suy nghĩ. Tượng đài Mẹ (dựa trên cảm hứng về mẹ Thứ) ở Quảng Nam, hay trước đó ở thành phố Đà Nẵng, cũng chỉ là một vài điểm nhấn mà thôi...

“Bầm ra ruộng cấy bầm run / Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non / Mạ non bầm cấy mấy đon / Ruột gan bầm lại thương con mấy lần / Con đi đánh giặc mười năm / Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”. Nhà thơ Tố Hữu đã viết những dòng thơ chân tình, đầy lòng biết ơn đối với những bà Bầm, bà Bủ ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chín năm trường kỳ chống Pháp gian khổ như thế đấy. Rồi thì mẹ Tơm ở Thanh Hóa, mẹ Suốt ở Quảng Bình, bà má ở Hậu Giang ...Có lẽ, Tố Hữu chính là nhà thơ đã viết nhiều và viết hay về tấm lòng của những bà mẹ Việt Nam đối với chiến sĩ Vệ Quốc quân, Giải phóng quân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhìn chung là vậy, nhưng văn chương thời kỳ chống Mỹ cũng đã có ít nhiều những tác phẩm viết thành công về hình tượng những bà mẹ ở miền Nam và miền Bắc. “Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh / Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc / Mẹ đào hầm dưới tầm đại bác / Bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh”... Thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) đấy. Mẹ đào hầm để nuôi giấu những đứa con bộ đội giải phóng của mẹ. Căn hầm của mẹ đào suốt cả một đời bền bỉ, có thể “cất giấu” cả một sư đoàn dưới lòng đất. Và “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất / Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”. Mẹ Việt Nam hiền lành như đất, mà ý chí và nghị lực thì không gì có thể so sánh được. Chao ôi! Dân tộc Việt Nam đau thương đã sinh ra những người mẹ anh hùng vĩ đại như thế. Mẹ chính là biểu tượng của đất nước, là niềm tin, là biểu tượng sức mạnh của cả dân tộc, không ai có thể xứng đáng được tôn vinh hơn mẹ cả đâu!...

Mẹ ngồi chấm mấy giọt đau, 

Trời xanh mây trắng ru câu thơ buồn... 

Đấy là hai câu thơ tôi viết ở Thành cổ Quảng Trị, khi cùng nhà văn Minh Chuyên và thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vào làm phim ở đây. Giữa miên man những người từ khắp mọi miền đất nước tụ về thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống tại chiến trường máu lửa khốc liệt này, hình bóng Mẹ lặng lẽ ngồi bên dòng sông Thạch Hãn nhìn xoáy vào dòng sông, như muốn kiếm tìm hình bóng đứa con yêu quý của Mẹ năm nào. Mẹ lặn lội từ Bắc vào, rồi lánh ra một chỗ yên tĩnh hơn để trầm tư, tiếc thương đứa con trai còn rất trẻ của mẹ và biết bao bạn bè đồng đội của nó đã vĩnh viễn tan vào mây khói, mà dường như linh hồn của nó giờ đây đang quẩn quanh bên Mẹ. Mẹ lấy chiếc khăn nhỏ, âm thầm lau mấy hạt lệ rỉ ra từ đôi mắt nhăn heo “nhìn một hóa hai” của mình. Hôm ấy, bầu trời Quảng Trị ngồn ngộn mây trắng. Mây trắng trên trời và mây trắng tràn ngập dòng sông Thạch Hãn. “Tuổi già hạt lệ như sương”...

Mẹ của tôi sinh được sáu người con trai và hai con gái. Cả sáu đứa con trai và hai thằng rể của mẹ tôi đã có mặt ở hầu hết các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống bọn xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và chiến trường Cămpuchia phía Tây Tổ quốc. Tin tức người ta báo về không mấy chính xác, rằng anh Đoàn Thạch Cương (Nguyễn Trọng Đỏ) con rể của mẹ đã hy sinh, còn tôi và chú em trai đang chiến đấu ở chiến trường khu V thì bị thương rất nặng. Năm 1970, mẹ tôi ốm liệt giường vì lo nghĩ, thương xót những đứa con đứt ruột của mình đang ngày đêm quần nhau với giặc ở nơi lửa đạn. Suốt mấy năm ròng, hằng đêm chắc mẹ không bao giờ được ngủ yên giấc. Rồi mẹ vẫn gượng đứng lên, vẫn phải lo chuyện cấy cày, làm ra hạt lúa củ khoai để gửi vào chiến trường cho các con của mẹ, cho đồng đội của các con mẹ. “Mồ hôi mẹ đổ xuống đồng / Xanh lên cây lúa, yên lòng con đi”. “Mẹ tiễn con đi, mẹ đón con về / Ngõ gạch đam mê níu hồn con trẻ”. “Mẹ  thương con thương cả bước gần bước xa”...

Mấy câu thơ tôi viết về người mẹ thân yêu của mình vẫn còn vang lên trong tâm khảm, cho dù mẹ đã về nơi vĩnh hằng xa  thẳm. Còn nhớ, tháng 8/1967, ba anh em tôi cùng lên đường ra trận một ngày, mẹ tôi tiễn các con đi trong nỗi ngậm ngùi khôn tả. Tôi ngoảnh lại nhìn mẹ, chỉ thấy mẹ lấy chiếc khăn nhỏ chấm vào đôi mắt đỏ hoe, rồi ngửng đầu trông theo bóng mấy đứa con hòa vào đông đảo những trai tráng trong làng nô nức cùng nhau lên đường đi chiến đấu nơi chiến trường xa. Hào khí thời đại, truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc và tình thương của mẹ đã truyền lửa cho mấy thế hệ thanh niên chúng tôi không quản ngại hy sinh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có biết bao bà mẹ như mẹ tôi đã sống và hy sinh thầm lặng trong thời kỳ lịch sử đau thương và anh dũng ấy, làm sao mà kể xiết? Đành rằng chiến tranh là có máu chảy, có những xác thân bỏ lại chiến trường, nhưng cuộc chiến trong lòng những bà mẹ có lẽ vẫn là một cuộc chiến nặng nề dai dẳng nhất. Những đứa con trong lòng mẹ bao giờ cũng nhỏ bé, cũng dễ thương biết mấy. Còn có biết bao những đứa con của các mẹ Việt Nam mãi mãi ở tuổi mười tám đôi mươi, chúng chẳng bao giờ lớn thêm được nữa, nhưng chúng đã hồn nhiên đi vào bất tử, như mùa xuân xanh tươi mãi mãi... Như thế, hình tượng MẸ VIỆT NAM đã từ thực tiễn cuộc sống, đã thành biểu tượng thẩm mĩ của văn hóa Việt Nam, vĩnh hằng như một lẽ tự nhiên không thể khác!

Mẹ trong lòng con, con trong tình thương bao la của mẹ, làm sao có thể “diễn ca” được đầy đủ? Chỉ biết rằng trên thế giới còn nhiều, rất nhiều những bất trắc hiểm nguy, hậu họa khôn lường. Con người còn mê đắm quyền lực và tham vọng, hoặc là có thể chưa thực sự cùng nhau tìm đến tiếng nói chung, do vậy luôn tìm mọi cách để lo chống đối lẫn nhau, thảm họa chưa thể lường được, thì nhân loại chắc chắn cũng sẽ không bao giờ hết những khổ đau, mà người bị tổn thương nhất, đau khổ nhất vẫn là những bà mẹ.

Cầu mong cho thế giới được bình yên, con người được sống trong yêu thương đồng loại, để cho BÀ MẸ TRÁI ĐẤT được mỉm cười. Cầu cho BÀ MẸ VIỆT NAM vĩ đại của chúng ta được yên tĩnh trong tình thương yêu của con cháu. Đất nước này mãi mãi là mùa xuân bất tận!...

Nhà thơ Vũ Bình Lục

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh