THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:25

Những điều chưa biết về Đại tá tình báo Nguyễn Thành Trung

Tháng 4 Sài Gòn miên man nắng, cơn mưa rào bất chợt xối xả bên ngoài khung cửa. Câu chuyện của đời ông từ ký ức ùa về như cơn mưa hôm ấy – cứ mãi tuôn trào… Phảng phất đâu đó nỗi ưu tư thời cuộc và cả niềm hạnh phúc đong đầy của một con người đã hoàn thành sứ mệnh, thong dong nhẹ bước về phía cuối cuộc đời.

Đổi họ khi lên 10 tuổi

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, năm 1957, học xong năm cuối của bậc tiểu thì mẹ dẫn Đinh Khắc Chung lên Tòa án tỉnh Bến Tre để làm lại giấy khai sinh. Từ đó, trong tờ giấy khai sinh của ông mang tên Nguyễn Thành Trung, lý lịch ghi rõ, một mẹ một con và mục “tên cha” đề là “vô danh”. Trong suy nghĩ của một cậu bé lên 10, Đinh Khắc Chung hoàn toàn không lý giải được vì sao mẹ mình lại phải làm tất cả điều này mà không hề biết rằng, đó là sự sắp đặt rất chặt chẽ, có tính toán kỹ càng của cách mạng để nuôi dưỡng và đào tạo ông trở thành tình báo cộng sản dưới danh nghĩa là một phi công của Việt Nam Cộng hòa sau này.

Năm 1965, Nguyễn Thành Trung thi vào khoa Toán-Lý-Hóa, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên). Cách mạng lúc này rất cần một người có tri thức và có điều kiện hoạt động tại nội thành Sài Gòn, để có thể tiếp cận những địa điểm mà khu 8 không thể vào được. Nguyễn Thành Trung chính là nhân tố đầy đủ tố chất và là thời điểm hợp lý nhất để có thể đào tạo trở thành tình báo. Năm 1968, Nguyễn Thành Trung đăng ký đi sĩ quan, sau đó tiếp tục thi tuyển vào ngành không quân của Không lực Việt Nam Cộng hòa theo chỉ đạo của cấp trên.

Việc trúng tuyển phi công để hoạt động trong hàng ngũ của địch cũng là một câu chuyện đấu trí ngoạn mục mà phần thắng thuộc về người chủ động và thông minh hơn. Cũng giống như các cuộc sát hạch tuyển phi công quân sự khác, Nguyễn Thành Trung phải trải vòng tuyển lựa gắt gao về thể lực, tiếng Anh, trình độ văn hóa… Mọi yêu cầu ông đều vượt qua dễ dàng nhưng bước cuối cùng và khó khăn nhất, chính là lý lịch. Ngoài sự chuẩn bị kỹ càng cho câu trả lời trùng khớp, hợp tình hợp lý thì Nguyễn Thành Trung cho rằng, có cả sự may mắn về thời cuộc. Đó là từ năm 1960, gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre, chính quyền các xã đã về tay cách mạng sau khi diễn ra phong trào Đồng khởi. Chính vì vậy nên việc điều tra hồ sơ gốc của Nguyễn Thành Trung khiến phía Việt Nam Cộng hòa gặp trở ngại. Vì không thể về được tận nơi sinh ra nên lý lịch của Nguyễn Thành Trung mà họ có thể điều tra được từ Tòa án tỉnh Bến Tre hoàn toàn trùng khớp với hồ sơ dự tuyển. Nguyễn Thành Trung còn nhớ, một ngày, Đại tá Ước – Trưởng ban Ban an ninh không quân mời ông lên làm việc. Đó là cuộc phỏng vấn xoáy vào lý lịch của ông với những điều còn chưa xuôi. Và cuộc đấu trí này ông là người chiến thắng, khi viên đại tá tuyên bố: “Anh đã trúng tuyển ngay ngày hôm nay!”.

 Phi công Nguyễn Thành Trung (bên phải) vui mừng trở về với cách mạng sau trận ném bom vào Dinh Độc lập ngày 8/4/1975

Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công ở Hoa Kỳ. Ông học rất giỏi và được xếp thứ 2 trong tổng số 40 học viên của khóa. Năm 1972, Nguyễn Thành Trung về nước sau đó một năm thì về căn cứ không quân Biên Hòa, biên chế trực thuộc Phi đoàn 540 Thần Hổ, Sư đoàn 3 không quân, Không đoàn 63. Tổ chức Ban Binh vận khu 8, quyết định chuyển Nguyễn Thành Trung sang sinh hoạt tại Ban binh vận Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Võ Văn Kiệt làm trưởng ban. Người chỉ đạo trực tiếp mọi nhiệm vụ cho Nguyễn Thành Trung là Bí thư TW Cục miền Nam Phạm Hùng.

Hai lần xác định chết và một lần mong được chết

Lần thứ nhất xác định chết là trận ném bom vào Dinh Độc Lập. Để hoàn thành nhiệm vụ cướp máy bay và ném bom vào dinh, phi công Nguyễn Thành Trung đã vận dụng tất cả những gì ông có, từ kinh nghiệm, trí thông minh, lòng dũng cảm và trên hết là quyết tâm làm được một điều gì đó cho Tổ quốc, góp phần để cuộc chiến này sớm kết thúc. Trên cũng xác định sự sống và cái chết của Nguyễn Thành Trung là 50-50, nên trước khi diễn ra sự kiện này, Bí thư TW Cục miền Nam Phạm Hùng sau nhiều trăn trở đã quyết định sẽ cho ông 1.000 lượng vàng để nếu ông có không trở về thì số vàng này sẽ giúp vợ con ông đỡ khổ. Nguyễn Thành Trung khẳng khái trả lời: “Nếu các anh cho tôi 1.000 lượng vàng để thuê tôi đánh Dinh Độc Lập thì tôi sẽ không làm. Tôi đã làm thì sẽ không lấy một xu của cách mạng, còn nếu vì tiền thì tôi sẽ theo người Mỹ luôn”.

Phi công Nguyễn Thành Trung trong buổi gặp mặt Lãnh tụ Fidel Castro và Thủ tướng Phan Văn Khải

Lần thứ hai xác định chết là trận ném bom vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều trận ném bom vào Dinh Độc Lập vì 4 phi công bay cùng chưa sử dụng máy bay A-37 lần nào, “hang cọp” cũng còn rất đông các sĩ quan của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, lại không ai rành đường bay ngoài Nguyễn Thành Trung. Nhưng lần này, ông và đồng đội đã trở về an toàn.

Vào thời điểm xảy ra hải chiến Hoàng Sa, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa. Dù xác định phần thắng chắc chắn 100% nhưng tất các phi công đều tuyên thệ sẵn sàng chết cho Hoàng Sa và ai cũng coi đó là cái chết vinh hạnh. Nhưng bất ngờ lệnh được đưa ra là không được hành động. “Lẽ ra được chiến đấu và được chết trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa thì tốt biết bao. Đó là một cái chết đẹp, một cái chết xứng đáng mà tôi ước gì được chết”. Nhớ lại giây phút này, Nguyễn Thành Trung vẫn còn day dứt khôn nguôi.

Cuộc phỏng vấn bất ngờ 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam

Năm 1985, 10 năm sau ngày miền Nam giải phóng, Hãng truyền hình CNN đăng ký phỏng vấn Nguyễn Thành Trung tại nhà riêng. Cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh, không cần thông dịch viên kéo dài khoảng 1 giờ đã khiến ông vỡ ra nhiều điều.

-         Thưa ông, đến giờ này người Mỹ chúng tôi vẫn không giải thích được và chúng tôi rất cần câu trả lời từ ông. Đó là trận đánh ngày 28/4/1975, vì sao ông có thể huấn luyện được đội bay chỉ trong 4 ngày rưỡi loại máy bay chiến đấu A-37, trong khi nếu thực hiện đúng bài bản thì phải mất 3 tháng huấn luyện đối với một phi công?

-         Nếu chúng tôi làm đúng quy trình như người Mỹ thì phải mất gần một năm mới huấn luyện xong và như vậy không thể đánh trận này. Chúng tôi có cách làm của thời chiến và trước khi vào trận, chúng tôi xác định 8 phần chết, 2 phần sống nhưng chúng tâm vẫn quyết tâm được chết cho trận đánh này.

-         Vậy thì người Mỹ chúng tôi thua là đúng vì chúng tôi không tính được người Việt có thể làm được như vậy. Còn một điều mà chúng tôi khẳng định là người Việt Nam hoàn toàn chưa biết. Đó là ngày 28/4, còn 3.000 cố vấn Mỹ ở lại Sài Gòn để động viên binh lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chúng tôi biết phía các ông có mấy quân đoàn, quân số khoảng 200.000 quân, có 200 xe tăng, 1.000 khẩu pháo và mục tiêu của các ông là tiến đánh Sài Gòn. Quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng còn đủ 6 sư đoàn, không quân rất mạnh, tăng và pháo nhiều hơn các ông… Khi trận đánh này xảy ra thì Sài Gòn chỉ còn là đống gạch vụn, số người chết thì không đếm xuể. Dù biết vậy nhưng cố vấn Mỹ vẫn quyết ở lại để chờ trận đánh này xảy ra với điều kiện là Sân bay Tân Sơn Nhất an toàn. Tuy nhiên, trận đánh của các ông ngày 28 khiến chúng tôi vỡ kế hoạch và Tổng thống Mỹ lệnh phải bốc ngay 3.000 cố vấn Mỹ về nước bằng phương án dùng trực thăng bay từ hạm đội vào. Khi quân của Việt Nam Cộng hòa hay biết người Mỹ đã bỏ về nước, họ tức tối bắn trả và bỏ súng đầu hàng quân Giải phóng không điều kiện. Vì vậy, ngày 30/4/1975, cuộc giải phóng Sài Gòn không có sự kháng cự nào từ phía Việt Nam Cộng hòa. Trận chiến giữa lòng Sài Gòn cuối cùng đã không diễn ra như chúng tôi dự đoán. Ông có biết điều này là nhờ một phần rất lớn từ ông không? Chính ông là người đã cứu Sài Gòn không bị đổ nát và cứu được hàng ngàn sinh mệnh.

Sau 60 năm sống dưới tên họ khác, Đại tá tình báo Đinh Khắc Chung trở về với tên họ thật của mình 

Nghe đến đây, Nguyễn Thành Trung lặng người. “Nếu những gì tôi đã cống hiến góp phần làm cho giải phóng Sài Gòn không đổ máu và không có đổ nát như những gì người Mỹ khẳng định trong cuộc phỏng vấn thì tôi cho rằng, cuộc đời mình thế là đã mãn nguyện, đã quá hạnh phúc rồi”. Nhắc lại điều này, gương mặt ông -Anh hùng LLVT ND, Đại tá, phi công Đinh Khắc Chung tỏa sáng diệu kỳ.

ĐINH HOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh