Những điều cán bộ, công chức cần biết sau Tết Nguyên đán
- Tây Y
- 13:47 - 31/01/2020
Thứ nhất, sau Tết, cán bộ, công chức phải bắt tay ngay vào công việc
Đây là một trong những nội dung nổi bật nêu tại Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 10/12/2019 về việc tổ chức Tết năm 2020.
Theo đó, ngay trong ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, cán bộ, công chức bắt buộc phải đi làm đúng giờ, đủ số lượng và bắt tay ngay vào công việc, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan.
Điều này sẽ góp phần loại bỏ ý nghĩ "tháng Giêng là tháng ăn chơi" theo quan niệm dân gian.
Thứ hai, không được uống rượu trong giờ làm việc
Đi làm sau khi nghỉ Tết, thông thường nhiều cơ quan sẽ tổ chức liên hoan mừng năm mới. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian làm việc nên cán bộ, công chức, viên chức tham dự "khai xuân" phải hết sức lưu ý khi sử dụng rượu, bia.
Tại khoản 5 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là cán bộ, công chức không được uống rượu, bia ngay trước, trong thời gian làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Đây cũng là quy định của Chỉ thị số 26/CT-TTg được Thủ tướng ban hành năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước:
Nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực
Không chỉ vậy, về việc uống rượu, bia, tại khoản 1 Điều 21 Luật trên cũng nêu rõ, cán bộ, công chức tuyệt đối không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Bởi đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho mình và những người tham gia giao thông. Ngoài ra, hiện nay, Nghị định 100 đã tăng mạnh mức phạt hành chính khi trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn.
Thứ ba, không đi lễ hội, chùa, du xuân trong giờ hành chính
Bên cạnh việc không được uống rượu bia trong giờ làm việc, cán bộ, công chức cũng không được dùng thời gian này để đi lễ hội, chùa và du xuân. Điều này được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý trong Chỉ thị số 26 và tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, Thủ tướng yêu cầu, cán bộ, công chức tuyệt đối không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng như đi lễ hội, liên hoan, du xuân… Nếu vi phạm các đối tượng này có thể bị xem xét xử lý kỷ luật.
Thứ tư, không dùng xe công đi lễ hội, chùa sau Tết
Nghị định 110 nêu trên không chỉ cấm cán bộ, công chức không được đi lễ hội, du xuân trong giờ hành chính mà còn phải tuyệt đối:
Không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ)
Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà việc sử dụng xe công cho mục đích cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật:
- Xử lý kỷ luật: Tùy vào tính chất, biểu hiện của hành vi để áp dụng một số biện pháp xử lý kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc đuổi việc (Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP);
- Xử phạt hành chính: Người nào sử dụng tài sản là xe ô tô không đúng mục đích, sử dụng vào mục đích cá nhân thì bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP).