THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:35

Những địa điểm đón Trung Thu không nên bỏ qua ở Hà Nội

 

Văn Miếu-Quốc Tử Giám lung linh trong chương trình "Thu vọng nguyệt 2017." (Ảnh: BTC)

Trung Thu phố cổ
Nhiều hoạt động tìm hiểu và tái hiện không gian Tết Trung Thu truyền thống sẽ được tổ chức tại các điểm di tích thuộc khu vực phố cổ Hà Nội trong thời gian từ ngày 21-23/9.
Cụ thể, các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống dịp Trung Thu (đèn ông sao, tiến sỹ giấy, tò he, ông đánh gậy…) tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc, Hà Nội). Ngoài ra, cũng tại địa điểm này, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội).
Không gian Tết Trung Thu truyền thống của một gia đình Hà Nội xưa và hình ảnh tư liệu về những mùa Trung Thu trước ở Thủ đô sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Ngôi nhà di sản (số 87 Mã Mây, Hà Nội).
Nếu muốn tìm hiểu về các dòng tranh dân gian Việt Nam (tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng…) và trải nghiệm các khâu trong quá trình tạo một bức tranh dân gian, du khách có thể tới Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội).
Sự phong phú của mặt nạ giấy bồi - một loại đồ chơi Trung Thu quen thuộc sẽ được giới thiệu tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào, Hà Nội). Tại đây, du khách có thể tự tay làm những chiếc mặt nạ với sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân, người thợ lành nghề.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Ký ức mùa Trăng”
Chuỗi hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Ký ức mùa Trăng” sẽ được tổ chức tại khu vực Hồ Văn - Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong thời gian từ ngày 21-23/9.
Đại diện ban tổ chức cho biết, chương trình sẽ góp phần giúp công chúng tìm lại không khí của đêm hội Trăng rằm cùng câu chuyện về Trung Thu truyền thống với những hoạt động cụ thể như múa lân, rước đèn, phá cỗ…
Ngoài ra, tại đây, du khách có thể tham gia vào quá trình trang trí mâm ngũ quả hay làm những loại bánh Trung Thu cổ truyền.
“Đêm Rằm xuống phố” cùng Xuân Bắc, Tự Long
Chương trình “Đêm Rằm xuống phố” sẽ được tổ chức vào tối 23/9 tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ (đường Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Với thông điệp “Tết Trung Thu - Tết của niềm vui,” chương trình “hứa hẹn” sẽ là một bữa tiệc nhiều màu sắc với âm nhạc, hài kịch, xiếc và các vũ điệu sôi động. “Đêm Rằm xuống phố” có sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ và đoàn nghệ thuật nổi tiếng như Xuân Bắc, Tự Long, Isaac, Ái Phương, Nhà hát Múa tối Thăng Long, Liên đoàn xiếc Việt Nam…
Khán giả sẽ được chứng kiến màn tranh tài vui nhộn, đầy kịch tính giữa hai nhân vật Cuội (Xuân Bắc) và Bờm (Tự Long), xem chị Hằng (ca sỹ Ái Phương) cưỡi trâu, hòa mình vào màn Flashmob tập thể sôi động giữa trung tâm phố đi bộ cùng ca sỹ-diễn viên Isaac…

"Đêm rằm xuống phố" có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Xuân Bắc, Tự Long... (Ảnh: BTC)

Lần đầu tiên, con đường đèn lồng nối từ sân khấu chính (ở vườn hoa Lý Thái Tổ) tới những khu vực xung quanh Bờ Hồ sẽ tạo ra điểm nhấn đặc biệt cho chương trình “Đêm Rằm xuống phố” nói riêng và không gian phố đi bộ nói chung dịp Trung Thu 2018.
Nhạc hội “Vầng Trăng tuổi thơ”
Bên cạnh những hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống, dịp Trung Thu 2018, công chúng Thủ đô cũng có thể hòa mình vào những tiết mục trẻ trung, hiện đại trong chương trình nhạc hội thiếu nhi “Vầng trăng tuổi thơ.”
Chương trình sẽ diễn ra vào tối 22, 23/9 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long (số 19 Hoàng Diệu, Hà Nội) với sự tham gia của nhiều người mẫu nhí, nhiều giọng ca được khán giả yêu mến (như Hồ Văn Cường - Quán quân Thần tượng âm nhạc nhí-Vietnam Idol Kids 2016), nghệ sỹ xiếc…
Theo đó, “Vầng trăng tuổi thơ” sẽ mang đến cho khán giả nhiều tiết mục âm nhạc, ảo thuật, xiếc, trình diễn áo dài…
“Trung Thu rước sách”
Hội sách Trăng tròn với chủ đề “Trung Thu rước sách” sẽ diễn ra trong hai ngày 15, 15/9 tại phố sách Hà Nội (phố 19-12, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phố sách sẽ mang một diện mạo khác lạ với sự xuất hiện của chiếc đèn ông sao “khổng lồ” cùng những chiếc đèn lồng lung linh sắc màu được treo dọc tuyến phố. Không chỉ có vậy, “Góc du hành thời gian” sẽ đưa du khách trở lại với những mùa Trung Thu xưa qua những câu chuyện thú vị về cách làm và ý nghĩa của nhiều loại đồ chơi truyền thống (mặt nạ giấy bồi, ông tiến sỹ giấy, tò he, đèn lồng…).

Tò he là một trong những món đồ chơi truyền thông được các bạn nhỏ yêu thích. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Từ đôi tay xinh, nặn cả thế giới” là một workshop dành riêng cho các bạn nhỏ diễn ra từ 16 giờ ngày 15/9. Tại đây, nghệ nhân Đặng Văn Hậu sẽ hướng dẫn các em nhỏ tự tay nặn những nhân vật tò he yêu thích.
Bên cạnh đó, nhiều tựa sách thiếu nhi (“Sách mặt nạ” - bộ sách tương tác được viết dựa trên cảm hứng về những chiếc mặt nạ, “Ý tưởng sáng tạo - Nông trại siêu vui nhộn”…) cũng sẽ được giới thiệu tới độc giả trong dịp này. Nhiều đơn vị phát hành sách (Nhã Nam, Đinh Tỵ… có chương trình khuyến mãi (giảm giá từ 30-50%) và tặng quà cho độc giả.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh