Những dấu hiệu phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ
- Y học 360
- 11:22 - 10/05/2022
Căn bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang trở thành nỗi lo mới với thế giới sau khi xuất hiện tại nhiều quốc gia.
Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây, yếu tố dịch tễ cũng như nguyên nhân của căn bệnh viêm gan cấp tính mới. Khả năng bệnh sẽ xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, từ đầu tháng 5/2022, Bệnh viện Nhi trung ương đã tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca viêm gan chưa rõ nguồn gốc. Bệnh viện cũng đã xây dựng các bộ câu hỏi ghi nhận, sàng lọc bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn.
Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, các bệnh nhân ở phòng khám nếu có triệu chứng nghi ngờ sẽ làm xét nghiệm liên quan để xác định tổn thương gan. Tùy từng bệnh nhân sẽ làm xét nghiệm chuyên sâu hơn để tiếp cận chẩn đoán, can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp bất thường, có tổn thương viêm gan cấp tính.
Để tăng cường giám sát, phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ, trong quá trình thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn, nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, trẻ có hiện tượng viêm gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp...
Do chưa biết rõ căn nguyên lây bệnh, đường lây truyền, nên theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cách duy nhất để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này là ngăn chặn ngay từ các tác nhân đã ghi nhận. Nếu tổn thương lây qua đường vi rút như Adeno thì có thể lây qua giọt bắn, chất thải, và bề mặt tiếp xúc, do đó, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, bảo đảm nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, vệ sinh bề mặt và sử dụng đồ dùng cá nhân riêng như: Ca, cốc, thìa, khăn mặt… Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân cần bảo đảm ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch…
Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa đưa ra khuyến cáo, với trẻ từ 0 đến 16 tuổi, khi có các triệu chứng sau cần đưa tới bệnh viện để thăm khám: Trẻ sốt nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, có dấu hiệu vàng da. Ban đầu, vàng da có thể xuất hiện ở củng mạc mắt. Sự thay đổi màu sắc này dễ dàng nhận biết dưới ánh sáng mặt trời.
Bác sĩ cũng lưu ý các bậc phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng và tìm kiếm các phương pháp xét nghiệm, điều trị truyền miệng. Với các trường hợp nghi ngờ, nguy cơ cao bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm, điều trị phù hợp.
Để tăng cường các biện pháp phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng yêu cầu các địa phương tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, bảo đảm an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.