Những dấu hiệu phát hiện ra ung thư vú ở giai đoạn đầu
- Sức khỏe
- 21:36 - 08/10/2018
Theo TS.BS Lê Thanh Đức (trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K) cho biết, theo thống kê ở khu vực châu Á, Đông Nam Á, tỉ lệ ung thư vú trẻ khá cao. Các nước Âu, Mỹ, bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Ngay ở Nhật Bản và một số nước châu Á, mắc trẻ khá cao, thậm chí có bệnh nhân 26 – 27 tuổi đã bị ung thư vú. Tại Việt Nam, 31 – 36 tuổi tỉ lệ gặp đã cao hơn các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Cá nhân BS Đức đã và đang điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú còn rất trẻ, rất nhiều trong số đó chưa có gia đình và có người vừa còn bước vào ngưỡng cửa đại học.
Trường hợp chị Nguyễn Thị M. (35 tuổi, Hà Nội) cho biết: 2 năm trước chị bị chẩn đoán ung thư vú, sau khi có triệu chứng đau nhói mơ hồ ở ngực: “Thời điểm tôi phát hiện mình bị ung thư vú thì con gái chỉ mới 4 tuổi. Cuộc đời lúc đó như sụp đổ, và thương con gái sẽ không được chăm sóc vì nghĩ sớm muộn mình cũng sẽ chết”.
May mắn là chẩn đoán của các bác sĩ cho thấy chị M. mắc ung thư vú giai đoạn 1 - giai đoạn có thẻ cắt bỏ khối u mà vẫn bảo toàn vú, cũng như hóa xạ trị không còn tế bào ung thư.
Một trường hợp khác là bệnh nhân Hồ Anh V., đang học đại học năm thứ 2 cũng bị ung thư vú giai đoạn 2B sau khi đi khám vì triệu chứng đau nhói mơ hồ và sờ thấy hạch ở ngực. Hiện tại, bệnh nhân V,. vẫn đang xạ trị tại Bệnh viện K và mới được 6 tháng.
BS Lê Thanh Đức cho hay, may mắn là bệnh nhân V. đến bệnh viện vẫn kịp thời vì khối u vú chưa di căn.
Các chị em phụ nữ nên kiểm tra vú tại nhà thường xuyên
Cũng là một người trẻ bị ung thư vú, tuy nhiên không phải ai cũng may mắn phát hiện ở giai đoạn sớm. Trường hợp của bệnh nhân Ánh T., 22 tuổi Nam Định (1995) phát hiện ung thứ vú năm 22 tuổi hiện đang được điều trị tại Bệnh viện K là một điển hình.
Tháng 8/2017, sau khi đi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, bác sĩ đã kết luận T., bị ung thư vú phải, nhưng đã di căn đến gan, hiện bệnh nhân đã ở giai đoạn 4 của ung thư vú.
Theo thông tin của Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của các Trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).
Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỉ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư tử cung.
Trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Đặc biệt là với ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, là vì bệnh nhân tự sờ thấy được.
Với bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì sẽ điều trị khỏi, tỷ lệ sống trên 5 năm tương đối cao, đặc biệt là với bệnh ung thư vú. Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%, với ung thư cổ tử cung là 80-93%, ung thư đại trực tràng là 88%...
GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cho hay, ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.
Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao. Trong cộng đồng, nhiều phụ nữ vẫn chưa có kiến thức về biện phát tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng ung thư vú định kỳ nên phần lớn bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.
Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia Bệnh viện K dành cho phụ nữ trẻ: - Kiểm tra vú tại nhà thường xuyên Có đến khoảng 80 – 90% bệnh nhân ung thư vú phát hiện có khối u khi ở giai đoạn 0 - 1 hoàn toàn có thể dùng tay sờ nắn để phát hiện. Tự kiểm tra vú thường xuyên tại nhà là việc làm quan trọng cho tất cả nữ giới bước vào độ tuổi trưởng thành. - Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn. Để thực hiện, nữ giới nên đứng trước gương, giơ hai tay lên đầu, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út để xoa nắn xem vú có khối u hay tiết dịch bất thường không. Sau đó, chị em thực hiện các bước tương tự với tư thế nằm. - Khi thấy bất thường – có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám luôn, tránh chần chừ, kéo dài thời gian vì có thể làm cho cơ hội chữa bệnh thêm ít đi - Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực trạng, buồng trứng, phổi, cổ tử cung... thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ. - Đối với phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần. |