CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:49

Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nguy hiểm

 - Ảnh 1

Sốt xuất huyết gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

 

Tại tỉnh Đắk Lắk, hôm 22/7, bệnh nhân Hoàng Đình B. (25 tuổi; ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) bị sốt cao kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn nên người nhà đưa đi điều trị tại cơ sở y tế tư nhân. Do bệnh không bớt, đến ngày 26/7, anh B. vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám với chẩn đoán SXH Dengue ngày 6.

Chỉ 2 hôm sau, gia đình đưa anh về nhà vì tiên lượng không qua khỏi, bệnh nhân suy đa tạng và tử vong cùng ngày. Đây là trường hợp thứ 2 tử vong trong tháng 7 do bệnh SXH tại Đắk Lắk. Ca tử vong trước đó vài ngày là em Nguyễn Thị Khánh L. (15 tuổi; ngụ phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột).

Bệnh nhân Lưu Minh P. (37 tuổi, quê Quảng Nam, làm việc tại TP HCM) qua đời vì bệnh SXH sau 48 giờ nhập viện khiến gia đình và bạn bè bàng hoàng. Ở tuổi này, anh còn trẻ khỏe, sung sức. Mấy hôm thấy trong người mệt mỏi, anh P. nghĩ chỉ cảm sốt thông thường do thời tiết nên gắng gượng đi làm. Đến lúc chịu không nổi, hôm 16-7, anh vào Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương kiểm tra sức khỏe.

Nhận thấy anh P. đang trong tình trạng bệnh nặng, mất tri giác, các bác sĩ tiến hành chụp CT và kết luận bệnh nhân bị xuất huyết não do SXH. Dù các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bệnh tình anh P. trở nặng, tiểu cầu giảm còn rất thấp, dưới 20.000 mm3 nên lượng máu xuất ra trong não càng lúc càng nhiều, chèn ép não và tử vong. 

Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, do khí hậu nhiệt đới gió mùa nên dịch sốt xuất huyết dễ dàng lây lan ra cộng đồng, nhất là các tỉnh phía Nam và miền Trung với đặc thù nóng ẩm quanh năm.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII với số ca mắc bệnh liên tục tăng lên theo thời gian.

Đây cũng là căn bệnh được WHO xếp vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm vì nó đã xảy ra trên 100 nước với số ca nhiễm bệnh lên đến 50-1000 ca mỗi năm.

Căn bệnh này đang có xu hướng xảy ra phổ biến hơn ở các quốc gia châu Á và thậm chí được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc nhập viện hoặc tử vong ở khu vực này.

Các giai đoạn của sốt xuất huyết: 

Giai đoạn 1: 

Đầu tiên là giai đoạn sốt, trong 1 hoặc 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao một cách đột ngột, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 - 40 độ C. Trong giai đoạn này, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường.

Nếu có nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết, cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay. Nếu nhận kết quả dương tính thì chắc chắn người bệnh đã mắc sốt xuất huyết và cần nhanh chóng điều trị.

Giai đoạn 2:

Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn rất nguy hiểm, trong giai đoạn này, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy. Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt.

Vào thời điểm này có thể người bệnh đã hạ sốt nhưng lại xuất hiện những hiện tượng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam hay chảy máu chân răng. Những vết xuất huyết dưới da thường xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi...

Những vết này là các đốm đỏ hoặc một mảng bầm tím tùy theo mức độ. Những biến chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường.

Giai đoạn 3:

Sau giai đoạn nguy hiểm thì người bệnh sẽ bước vào giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn này người bệnh đã hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên. Người bệnh đã có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.

Theo Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh