THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:56

Những đại gia đình luôn có mùa xuân

Khi người trẻ không muốn ăn riêng

Đặc biệt nhất với tôi có lẽ là gia đình cụ Nguyễn Văn Giáo ở thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) khi có tới hơn 40 thành viên cùng sống trong một khuôn viên và đến nay vẫn… tiêu tiền chung một túi. Điều khiến gia đình cụ trở nên đặc biệt, vì cụ có 5 con trai, 1 con gái, khi các con trai lấy vợ… chẳng anh nào chịu ăn riêng. Tất cả làm việc chung công ty của gia đình, tối về ăn uống, tụ họp ngay sân vườn, tổng cộng 5 mâm. Hỏi chuyện về khuôn viên độc đáo này, được biết, đây là mảnh đất gia đình mua từ năm 1987, rộng 2.500 m2. Năm 1995, cụ Giáo xây 5 ngôi nhà cho 5 con trai. Vợ chồng cụ Giáo và cụ thân sinh của cụ sống ở ngôi nhà giữa do người con cả trông nom. Con đường trước nhà cụ được tôn cao, nên năm 2006, đại gia đình đã xây lại 5 ngôi nhà kiểu biệt thự giống hệt nhau.

Cụ Nguyễn Văn Giáo cho biết, gia đình cụ ngày nào cũng là Tết, bởi các thành viên luôn quan tâm đến nhau, không bao giờ xảy ra to tiếng, cãi vã nhau. Các con đều nghe theo sự chỉ đạo của cụ, cùng làm việc, ăn tiêu như nhau nên ai cũng thấy vui vẻ, thoải mái. “Có thời gian gia đình tôi sống 5 thế hệ. Khi ấy, mẹ đẻ tôi vẫn còn sống. Truyền thống ấy được vun đắp từ thời cha tôi. Cha tôi luôn nhắc nhở anh em con cháu phải đoàn kết. Do biết bảo ban nhau làm ăn nên kinh tế phát triển. Vợ chồng tôi sống vui vẻ, đến nay bà nhà tôi 82 tuổi, tôi 80, vậy mà chả phải đi viện bao giờ”, cụ Giáo khoe.

Công ty TNHH Thành Đạt của gia đình cụ Giáo do ông Nguyễn Văn Thầm, con trai thứ 2 đảm nhận vai trò Giám đốc và điều hành công việc. Bà Đỗ Thị Nhiên, con dâu thứ 4 của cụ Giáo tự hào: “Anh trai trưởng là Nguyễn Văn Dung làm ở Hà Nội, nhưng nhất mực đều lo cho gia đình, quan tâm, chu đáo với tất cả các thành viên trong nhà. Trừ khi phải đi công tác, còn hằng ngày anh đều đặn sáng đi, tối về”.

Empty

Đại gia đình thứ hai, dù chỉ là “tam đại đồng đường”, nhưng lại có lối sống rất mực gia phong. Đó là gia đình bà Hoàng Thị Yên ở làng Tây Mỗ, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Bà Yên có 3 con: Nghiêm Xuân Hà, Nghiêm Xuân Tuấn Sơn và Nghiêm Thị Cẩm Bình. Dù các con đều đã có gia đình nhưng vẫn ăn cùng mẹ. Bà Yên tâm sự: “Vợ chồng cháu Nghiêm Thị Cẩm Bình thừa khả năng mua nhà khác, nhưng vẫn muốn ở chung với tôi. Đại gia đình hơn 10 người quây quần bên nhau, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Với tôi ngày Tết quý nhất là các thành viên có nhiều thời gian quây quần xum họp, người này tặng quà người kia”.

Vào tháng trước Tết, gia đình bà Yên đón nhiều đoàn làm phim về ghi hình bởi bà vẫn giữ được nếp nhà cổ, không gian cổ phụphù hợp nhiều bộ phim. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, ông cảm phục gia đình hạnh phúc của bà Yên và sự nhiệt tình của các thành viên đối với các đoàn làm phim. “Ngày nào ở gia đình bà ấy cũng có không khí xuân”.

Tết rộn ràng vui

Không đông đúc, nhưng gia đình “tứ đại đồng đường” của cụ Nguyễn Văn Diệu, ở phường Giang Biên (quận Long Biên, TP. Hà Nội) lại có một nếp sinh hoạt khá ấn tượng. Phần kinh tế chủ đạo do vợ chồng con trai cả của cụ lo, tiền “đối nội đối ngoại” đích thân cụ lo, còn vợ chồng cháu trai có tiền thì giữ làm vốn.

Cụ Diệu cho biết, hiện ở phường Giang Biên có 40 gia đình sống 4 thế hệ. Ngày Tết không khí rộn ràng, ấm cúng lan tỏa khắp phố phường. Gia đình cụ Diệu năm nào cũng gói bánh chưng, mua sắm Tết thật chu đáo. “Dù làng lên phố, nhưng nấu bánh chưng bằng củi vào tối 28 vẫn tạo được không khí ấm cúng, vui vầy. Năm nào tôi cũng chuẩn bị đào, quất, thủy tiên. Các loài hoa sẽ làm không khí trong nhà trở nên rực rỡ hơn. Thời bây giờ, không chỉ ăn Tết mà người ta còn “ăn” cả không khí nữa”, cụ Diệu chia sẻ.

Mấy chục năm nay gia đình cụ Diệu đều tổ chức bữa cơm tất niên vào ngày 30. Đêm Giao thừa, cả gia đình ngồi trước màn hình, lắng nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Sáng Mùng 1 Tết, các cháu chúc mừng vợ chồng tôi và trao sổ tiết kiệm do các cháu tích lũy được. Số tiền tuy nhỏ nhưng thể hiện sự hiếu thảo của các cháu. Vợ chồng tôi sau đó cũng mừng tuổi các cháu, chắt, chúc năm mới khỏe mạnh, học giỏi”.

Empty

Còn với đại gia đình cụ Nguyễn Văn Giáo ở thôn Từ Hồ, không khí đón Tết được chuẩn bị rộn ràng từ ngày 25 tháng Chạp. Các cháu cùng tập trung dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua đào, quất, hoa... Về thực phẩm, 5 chị em dâu sắm đủ để có thể nấu được các món đặc trưng ngày Tết, đặc biệt không thể thiếu nồi bánh chưng to. Sáng Mùng 1 Tết, cụ Giáo đi thắp hương ở 5 ngôi nhà. Cụ Giáo có một người con trai nuôi, sáng Mùng 1 vào chúc Tết hai cụ và ở lại cùng đi chúc Tết. Ông Nguyễn Văn Dung, con trai cả cụ Giáo nói: “Vì họ hàng đông, nên 6 chị em dâu chia làm 2 nhóm, dẫn các cháu chắt đi chúc Tết”.

Ông Dung cho biết thêm: Trước đây đại gia đình gói đến 150 cái bánh chưng, nhưng giờ chỉ gói 75 cái. Nhìn không khí chuẩn bị cỗ bàn, sắm lá dong, gạo, đỗ… mỗi người một tay, tôi thật hạnh phúc và mãn nguyện.

Để giữ được hòa khí, ấm áp không chỉ diễn ra trong mấy ngày Tết, mà là cả năm, cả đời, cụ Nguyễn Văn Diệu và Nguyễn Văn Giáo chung tâm sự rằng: “Trước hết phải tuân thủ nề nếp, gia phong. Người trước phải hy sinh, làm gương cho người sau. Người sau hiếu thuận với bề trên và làm gương cho người sau nữa”.

Để có những gia đình đa thế hệ, hòa khí, không có tiếng cãi vã khó lắm thay. Bởi dù thế nào thì trong sinh hoạt hằng ngày không thể tránh khỏi có những va chạm. Song như chia sẻ của nhiều gia đình đa thế hệ, việc giáo dục nề nếp cho con cháu, khích lệ tinh thần học tập của người trẻ là vô cùng quan trọng. Tiếp đó là việc giải quyết bất hòa, nếu có, cần dựa trên tinh thần chia sẻ, công tâm, rối đâu gỡ ở đó.

Là người nhiều năm nghiên cứu về gia đình, giới và có thời gian được sống trong gia đình “tứ đại đồng đường”, giáo sư Lê Thị Quý chia sẻ: “Dù nhiều gia đình trải qua khó khăn về vật chất, nhưng nếu duy trì được trụ cột là hiếu đễ thì gia đình đó êm ấm. Hiếu ở đây là con cái có hiếu với cha mẹ. Đễ - anh em như thể tay chân. Ngoài ra, nền tảng của gia đình còn có phần của tình yêu chung thủy của các cặp vợ chồng, có nhân có nghĩa”.

Empty

Diên Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh