THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:18

Những đại dịch khủng khiếp nhất trên thế giới

Dịch hạch Justinian

Những đại dịch khủng khiếp nhất trên thế giới - Ảnh 1.

Tranh mô tả dịch hạch ở Italy thế kỷ 17. Ảnh: Getty Images.

3 trong số các đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử được ghi nhận là đều một loại vi khuẩn gây ra, đó là Yersinia pestis, một bệnh nhiễm trùng gây tử vong hay còn gọi là bệnh dịch hạch. Bệnh dịch hạch Justinian khởi phát từ Ai Cập, nơi những con chuột đen mang theo bọ chét mang mầm bệnh đã theo tàu vượt qua biển Địa Trung Hải tới Constantinople, Thủ đô của đế quốc Byzantine vào năm 541 sau Công nguyên. Bệnh dịch đã tàn phá thành Constantinople, nơi hoàng đế Justinian trị vì và lan rộng như một đám cháy khắp châu Âu, châu Á, Bắc Phi...

Người nhiễm bệnh được nhân viên y tế thời đó chữa trị hoặc thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà. Tác giả William Rosen xác định nhân viên y tế thời đó chủ yếu là các học viên ngành y được đào tạo. Các học viên chủ yếu tập trung vào lời dạy của Galen, thầy thuốc người Hy Lạp (129 - 217), người chịu ảnh hưởng bởi khái niệm "Thể dịch" (Humorism) điều trị bệnh dựa trên các chất dịch cơ thể. Nhiều người không có điều kiện để được nhân viên y tế chăm sóc, họ chuyển sang các biện pháp khắc phục tại nhà. Theo tác giả Rosen, một số cách được áp dụng là tắm nước lạnh, dùng bột phấn, và nhiều loại thuốc, nhất là thuốc chứa alkaloid - chất hữu cơ có dược tính mạnh. Dịch hạch Justinian chỉ dừng lại sau khi giết chết khoảng 30 - 50 triệu người, có lẽ là một nửa dân số thế giới.

"Cái chết đen"

Bệnh dịch hạch chưa bao giờ thực sự biến mất, và khi quay trở lại 800 năm sau, nó đã giết chóc còn thảm khốc hơn. Đại dịch "Cái chết đen", tấn công châu Âu vào năm 1347, cướp đi khoảng 200 triệu sinh mạng trong vòng 4 năm.

Những đại dịch khủng khiếp nhất trên thế giới - Ảnh 2.

Tranh mô tả cảnh chết chóc trong đại dịch "Cái chết Đen". Ảnh: Getty Images.

Giáo sư Mockaitis cho biết, thời đó người dân vẫn chưa có hiểu biết khoa học về bệnh truyền nhiễm, nhưng họ biết nó liên quan đến việc sống gần nhau, đó là lý do tại sao các quan chức có tư duy tiến bộ ở thành phố cảng Ragusa, nơi người Venice kiểm soát, đã quyết định cách ly các thủy thủ mới cập cảng cho đến khi họ có thể chứng tỏ rằng mình không bị bệnh. Ban đầu, các thủy thủ bị cách ly trên tàu của họ trong 30 ngày, theo dữ liệu được ghi trong luật của Venice. Sau đó, người Venice đã tăng thời gian cách ly lên 40 ngày, kể từ đó, phương Tây bắt đầu áp dụng quy định này để đề phòng lây lan dịch bệnh.

Đại dịch hạch London

London (Anh) chưa bao giờ có một "khoảng nghỉ" trước những cuộc tấn công của dịch hạch sau Cái chết đen. Dịch hạch cứ 20 năm lại xuất hiện một lần tại đây suốt từ năm 1348 - 1665 với 40 đợt bùng phát trong vòng 300 năm. Mỗi lần đợt bùng phát dịch hạch mới diễn ra thì 20% đàn ông, phụ nữ và trẻ em sống tại thủ đô của nước Anh đã tử vong vì mắc phải dịch bệnh quái ác này.Vào đầu những năm 1500, Anh đã thực hiện bộ luật đầu tiên yêu cầu tách riêng và cách ly những người bị bệnh. Những gia đình bị dịch bệnh tấn công sẽ được đánh dầu bằng một kiện cỏ được treo trên một cây gậy bên ngoài. Nếu người nào có người thân mắc dịch hạch, người đó sẽ phải mang theo một cây gậy trắng khi đến nơi công cộng. Đại dịch hạch năm 1665 là đợt bùng phát dịch bệnh cuối cùng nhưng cũng là một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất kéo dài hàng thế thế kỷ, khiến 100.000 người London thiệt mạng chỉ trong vòng 7 tháng.

Những đại dịch khủng khiếp nhất trên thế giới - Ảnh 3.

Hình ảnh vi khuẩn dịch hạch dưới kính hiển vi quang học. Ảnh: Getty Images.

Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng đều bị nghiêm cấm và các bệnh nhân đều bắt buộc phải ở trong nhà để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Mặc dù việc "giam" những người bị bệnh trong nhà và chôn các thi thể trong những ngôi mộ tập thể bị coi là dã man nhưng đó là cách duy nhất thời bấy giờ để khiến những đợt bùng phát cuối cùng của dịch bệnh chết chóc này kết thúc.

Dịch đậu mùa

Đậu mùa là dịch bệnh đã lan rộng ở khắp châu Âu, châu Á, và các nước Ả rập - Xê út trong hàng thập kỷ, trở thành nỗi ám ảnh trong lịch sử nhân loại. Cứ 10 người mắc bệnh đậu mùa thì có 3 người chết trong khi những người còn lại đều dày đặc những vết sẹo.

Những đại dịch khủng khiếp nhất trên thế giới - Ảnh 4.

Đậu mùa là dịch bệnh đã lan rộng ở khắp châu Âu, châu Á, và các nước Ả rập - Xê út.

Những người bản xứ ở Mexico và Mỹ không có miễn dịch tự nhiên trước bệnh đậu mùa và virus này đã khiến hàng chục triệu người tại đây thiệt mạng. "Chưa có sự tàn phá dân số nào trong lịch sử nhân loại khủng khiếp như những gì từng xảy ra ở châu Mỹ khi 90 - 95% người dân bản xứ bị xóa sổ trong vòng 1 thế kỷ", nhà sử học Mockaitis cho biết, đồng thời thông tin thêm: "Dân số Mexico đã giảm từ 11 triệu người trước dịch bệnh xuống còn 1 triệu người".

Hàng thế kỷ sau, đậu mùa đã trở thành đại dịch đầu tiên do virus gây nên kết thúc nhờ vào việc tìm ra vaccine. Vào cuối thế kỷ 18, bác sĩ người Anh là Edward Jenner đã đặt nền móng cho việc sử dụng vaccine để ngăn ngừa dịch bệnh với con người. Năm 1796, Jenner đã tiến hành một thí nghiệm khi lấy dịch từ các vết đậu bò trên cánh tay của một cô gái chăn bò rồi cấy vào cánh tay của cậu bé 9 tuổi khỏe mạnh - con trai người làm vườn của ông. Sau đó,     Jenner đã tiêm chất có chứa mầm bệnh đậu mùa vào người cậu bé nên cậu bé này không hề bị bệnh. Nhờ phát hiện của Edward    Jenner, gần 2 thế kỷ sau, năm 1980, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa hoàn toàn bị xóa sổ khỏi trái đất.

Dịch tả

Vào đầu đến giữa thế kỷ 19, dịch tả xé nát nước Anh, giết chết hàng chục ngàn người. Lý thuyết khoa học thịnh hành thời đó cho biết, căn bệnh này lây lan qua một loại khí hôi được gọi là miasma. Nhưng một bác sĩ người Anh tên John Snow nghi ngờ rằng căn bệnh bí ẩn, giết chết nạn nhân trong vài ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, đã ẩn nấp trong nguồn nước uống của thành London.

Những đại dịch khủng khiếp nhất trên thế giới - Ảnh 5.

Bác sĩ John Snow đã phát hiện ra nguồn lây nhiễm của dịch tả ở London. Ảnh Getty Images.

Snow đã điều tra hồ sơ bệnh viện và báo cáo tại nhà xác để theo dõi vị trí chính xác của các ổ dịch chết người. Ông đã tạo ra một biểu đồ địa lý về các ca tử vong do dịch tả trong khoảng thời gian 10 ngày và tìm thấy một cụm 500 bệnh nhân tử vong xung quanh trạm bơm Broad Street, giếng nước nổi tiếng của thành phố. "Ngay khi nắm rõ tình hình và mức độ bùng phát của dịch tả, tôi đã nghi ngờ về việc ô nhiễm nước từ giếng nước ở phố Broad", Snow viết. Với nỗ lực kiên trì, Snow đã thuyết phục các quan chức địa phương loại bỏ tay cầm bơm ở giếng nước phố Broad, khiến nó không sử dụng được, và giống như một phép màu, các ca lây nhiễm hết sạch.

Tất nhiên công việc của Snow không diệt được dịch tả sau một đêm, nhưng cuối cùng nó đã dẫn đến những nỗ lực toàn cầu để cải thiện vệ sinh đô thị và bảo vệ nguồn nước khỏi nhiễm bẩn. Mặc dù dịch tả phần lớn đã bị tiêu diệt ở các nước phát triển, nhưng ngày nay nó vẫn là kẻ giết người dai dẳng ở các nước đang phát triển, nơi nước thải chưa được xử lý triệt để và việc tiếp cận nước sạch còn hạn chế.

Dịch cúm Tây Ban Nha

Theo các nhà dịch tễ học, dịch cúm Tây Ban Nha (1918 - 1920) đã giết chết khoảng 50 triệu người trong tổng số 500 triệu người nhiễm bệnh (1/4 dân số thế giới lúc ấy). Nó được xem là thảm họa toàn cầu, là dịch bệnh kinh hoàng nhất thế giới cho đến ngày nay và được gọi là "mẹ của các đại dịch". Nguồn gốc của dịch cúm Tây Ban Nha được cho là từ châu Á nhưng những người lan truyền mầm bệnh lại là người Mỹ.

Bệnh nhân nhiễm cúm tây Ban Nha.

Thời điểm ấy, Thế chiến I đã ở giai đoạn kết thúc và hơn 1 triệu lính Mỹ tham gia lực lượng đồng minh chống lại người Đức đã mơ tưởng đến ngày về nhà. Tuy nhiên, đùng một cái, họ nhiễm cúm. 43.000 lính chết trong những tháng đầu tiên. Những người còn lại mang mầm bệnh về Mỹ và lây lan rộng ra nhiều thành phố khác, dẫn đến cái chết của 675.000 người Mỹ, phần lớn đều ở độ tuổi từ 20 đến 40. Tại Tây Ban Nha, chỉ trong tháng 5/1918, quốc gia này đã có 8 triệu người chết. Theo các nhà dịch tễ học, việc che giấu thông tin cũng được coi là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan từ châu Âu ra những nơi khác trên thế giới.

Cũng chính vì che giấu thông tin dịch bệnh nên việc phổ biến kiến thức trong phòng tránh cũng như các kinh nghiệm trị liệu không được phổ cập, dẫn đến hệ quả là ở một số quốc gia, người ta điều trị cúm Tây Ban Nha bằng các loại thuốc như Aspirine, Quinin, Iodine… thậm chí là cả hun khói và tắm lạnh. Mãi đến thập niên 1930, khi các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm phân lập được virus cúm Tây Ban Nha thì cái nhìn về cách phòng ngừa, điều trị mới thay đổi.

Dịch Covid-19

Tháng 12/2019, một căn bệnh mới do chủng virus Corona mang tên Covid-19 ra đã bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

Tháng 12/2019, một căn bệnh mới do chủng virus Corona mang tên Covid-19 ra đã bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan ra khắp các quốc gia trên thế giới. Tháng 1/2020, chính quyền Trung Quốc công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Cho đến nay, toàn thế giới vẫn đang căng mình tìm cách ngăn chặn dịch bệnh bằng nhiều biện pháp khác nhau. WHO thông báo hiện 70 loại vaccine trị virus corona (SARS-CoV-2) chủng mới đang được phát triển trên toàn cầu, trong đó có 3 loại đang được thử nghiệm trên người.

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh