THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:11

Những chuyến đi làm giàu thêm cảm xúc, đam mê

Góc khuất khi làng lên phố bên kia sông Đuống

Khoảng năm 2008, 2009, những ngôi làng bình yên bên kia sông Đuống bắt đầu bước vào vòng quay đô thị hóa, làng lên phố, những lô đất có giá trị tiền tỷ, người khắp nơi đổ về mua bán bất động sản. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống người dân ngày càng “thay da đổi thịt”… Nhưng phía sau đó, tệ nạn xã hội bắt đầu len lỏi vào từng ngõ ngách xóm làng, người trẻ lao vào ăn chơi, nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS lúc nào không hay. Chỉ đến khi những cái chết trẻ ập đến, cả làng mới bàng hoàng, xót xa… Thời điểm ấy, là phóng viên trẻ của Báo Lao động - Xã hội, khi nghe được câu chuyện này từ người bạn, tôi đã không ngại ngần “một mình một ngựa” về xã Yên Thường, huyện Gia Lâm để tìm hiểu thông tin viết phóng sự “Nghĩa trang trắng bên kia sông Đuống” với mong muốn tìm lời cảnh tỉnh trước tệ nạn xã hội.

Để thực hiện được phóng sự này, tôi mất gần 1 tuần lăn lộn ở xã Yên Thường. Khi được bác Trưởng thôn lúc ấy (xin phép được giấu tên) dẫn đến nghĩa trang đầu làng, chỉ cho tôi những ngôi mộ với vòng hoa trắng xót xa. Họ đều là những người trẻ, vừa rời ghế nhà trường đã dính ma túy, nhiễm bệnh và chết. Nhìn những nấm mồ san sát nhau bất kỳ người nào cũng có thể hiểu được sức tàn phá của “cơn bão” tệ nạn quét qua. Nhiều thanh niên bị cuốn vào thói ăn chơi quá đà, trụy lạc khiến cuộc sống ở một nơi vốn thanh bình trở nên đảo lộn. Và rồi những con người được kỳ vọng là tương lai của làng xã lại phải chôn mình dưới những nấm mồ xanh…

z4634251181854_cf7665e9c04a5f64f6bd538164842cb6

Để có thông tin cho bài viết, tôi tìm mọi cách tiếp cận những gia đình có con nghiện ma túy, chết vì nhiễm HIV/AIDS. Không ít gia đình thấy tôi đến đã đóng cửa không tiếp, vì mất mát đối với họ là quá lớn, không muốn nhắc lại, khía thêm vào nỗi đau. Nhưng cũng có gia đình không ngần ngại kể với tôi về chuyện gia đình, về thứ bệnh khủng khiếp là HIV/AIDS mà con họ mắc phải và cuối cùng là cái chết đau đớn. Còn nhớ, một gia đình có con trai sinh năm 1980, đã không ngần ngại kể cho tôi nghe con trai họ không chịu được đau đớn của bệnh tật đã tìm đến cái chết bằng cách cắt cổ tay. Khi tôi đến, đám tang chưa qua 10 ngày nhưng người mẹ ấy nói với tôi, qua câu chuyện của con mình, những đứa trẻ trong làng coi đây là bài học đắt giá, từ đó tránh xa tệ nạn.

Thế nhưng, ngay khi bài báo lên trang, được phát hành rộng khắp thì không ít gia đình đã kéo đến nhà bác trưởng thôn “đình công”, mắng bác đưa phóng viên đến để kể xấu gia đình họ… Trong cuộc điện thoại với tôi, bác trưởng thôn quả quyết: “Cháu ơi, ở làng họ nói bác không biết “đóng cửa bảo nhau”, bêu rếu xóm làng lên báo, làm nỗi đau của họ tăng lên. Nhưng họ nói gì thì nói, bác vẫn cho rằng, bài báo và những câu chuyện đau lòng cháu viết chính là lời cảnh tỉnh đắt giá cho các bạn trẻ không chỉ trong làng mà còn cả nước tránh xa ma túy, mại dâm…”.

Nỗi niềm người con lai sót lại sau chiến tranh

Còn nhớ một ngày cuối năm 2008, mưa phùn khiến cái rét như cắt da cắt thịt, một mình tôi đi xe máy từ Hà Nội lên Trung tâm Bảo trợ xã hội Phú Thọ (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) với mong muốn tìm hiểu câu chuyện về những người vợ lính lê dương và những đứa con lai bị bỏ rơi sau chiến tranh.

Sau gần 2 tiếng “vật lộn” trên đường, tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Phú Thọ lúc 9 giờ sáng, khi mọi người vừa đi làm đồng về. Con đường nhỏ, heo hút dẫn vào trung tâm mang đến cho tôi cảm giác như lâu lắm không có người đến. May mắn người dẫn đường cho tôi chính là anh Bình, con trai bà Lê Thị Mùi - vợ lính lê dương người Ma rốc. Đưa tôi vào căn phòng tập thể nhỏ của bà ở trung tâm, bà Mùi vừa rót nước mời khách vừa kể: Trung tâm chia cho bà mảnh ruộng để bà trồng cấy cùng với số tiền trợ cấp, nên cuộc sống của bà không bị phụ thuộc con cháu.

Bài viết “Nghĩa trang trắng bên kia sông Đuống” của tác giả

Bài viết “Nghĩa trang trắng bên kia sông Đuống” của tác giả

Bà Mùi là công nhân Nông trường Việt Phi 1, vốn là nơi quản lý, cải tạo hàng binh Pháp. Tại đây, bà Mùi gặp hàng binh người Ma rốc tên là Mohamet Mizit. Họ yêu nhau rồi đám cưới được chính quyền đứng ra tổ chức. Sau 10 năm sống chung, vợ chồng Mùi sinh được 3 người con trai: Lê Tuấn Bình (Mohamet Bennaly), Lê Văn Chiến (Mohamet Bennaptala) và Lê Văn Đường (Mohamet Budama). Sau khi ông Mizit qua đời vì bệnh xơ gan cổ trướng, bà Mùi nuôi dạy 3 người con khôn lớn, trưởng thành.

Cùng cảnh với bà Mùi, bà Nguyễn Thị Tuệ một mình nuôi 4 người con trưởng thành và ngày đêm ngóng trông người chồng tên Mohamet Haimet cùng đứa con út đã trở về Ma rốc.  

Bà Mùi, bà Tuệ là 2 trong số 5 người vợ lính lê dương cùng những người con lai không chốn nương thân nên được làng Xã Hội tạo điều kiện bằng cách chia đất đai để sản xuất, sinh sống. Năm 2004, làng Xã Hội đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ nuôi dưỡng người già cô đơn, không nơi nương tựa. Những người như bà Mùi, bà Tuệ không thuộc diện được nuôi dưỡng, nhưng với chính sách nhân đạo của Nhà nước, các bà vẫn được cấp 1 gian nhà và tiền trợ cấp hằng tháng. Đến giờ, không rõ các bà còn hay mất, nhưng nỗi niềm mong mỏi tìm lại chồng, cha, dòng họ cho các con của bà vẫn in đậm trong tâm trí tôi.

Chuyện những ông chồng ở nhà nuôi con cho vợ... xuất ngoại

Cách đây nhiều năm, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) có nhiều người đi XKLĐ, thậm chí có cả một xóm toàn các ông chồng tình nguyện ở nhà nuôi con cho vợ đi… XKLĐ để lo kinh tế cho gia đình. Để viết được phóng sự “Nuôi con cho vợ… xuất ngoại” tôi đã dành 2 ngày ở thị trấn Sông Thao để tìm hiểu từng gia đình, từng câu chuyện và nỗi khắc khoải của những người chồng thiếu vắng bóng dáng người vợ. Phần lớn các gia đình có người đi XKLĐ đều gửi tiền về, họ trả hết nợ vay nợ ngân hàng khi bắt đầu đi và đã xây được nhà, thoát cảnh nghèo túng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vợ đi làm ở nước ngoài, chồng ở nhà nghiện ngập, cờ bạc, cặp bồ... Một số chị em sau khi hết thời hạn lao động trở về, muốn đi tiếp lần hai, lần ba để kiếm thêm thu nhập đã gây nỗi bất hòa, dẫn đến ly hôn cũng không phải ít…

Tôi nhớ khi đó, anh Khoát (Khu 9, thị trấn Sông Thao) kể, giữa lúc khó khăn, cho vợ đi XKLĐ ở Đài Loan như một lối thoát với hy vọng có tiền trang trải cuộc sống, xây lại ngôi nhà và ít vốn làm ăn. Theo anh Khoát, vài tháng vợ lại gửi tiền về một lần, được đồng nào anh cất kỹ đồng ấy, tích cóp dần mới xây được ngôi nhà này. Đàn ông xa vợ như anh ở làng này cũng nhiều, có xa vợ lâu ngày mới hiểu được cái khổ, vất vả nhưng vợ kiếm được đồng tiền ở nước ngoài gửi về cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt, nên ở nhà dù khổ mấy cũng gắng chịu vì tương lai các con...

Những người tôi gặp trong phóng sự đều mong muốn có một tương lai tốt hơn, thế nhưng phía sau những ngôi nhà cao tầng lại có biết bao hệ lụy khi gia đình vắng đi người phụ nữ, con cái chểnh mảng học hành, ham chơi, đua đòi; không ít ông chồng xa vợ rảnh rỗi tụ tập rượu chè, nhậu nhẹt, sẵn tiền vợ gửi về không lo làm ăn, mà tiêu xài hoang phí. Rồi những người vợ sau nhiều năm ở nước ngoài, về nước vài tháng lại tìm cách đi tiếp… khiến vòng quay luẩn quẩn mãi tiếp diễn. Thậm chí, nhiều người phải giả ly hôn để được xuất ngoại, rồi lại kết hôn thật với người ngoại quốc, chỉ có những ông chồng là “chưng hửng” ở nhà tiếp tục nuôi con… một mình.

Huyền Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh