Những chuyển biến bước đầu trong “Năm kỷ cương hành chính”
- Tây Y
- 13:22 - 17/04/2017
Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, phục vụ nhân dân tốt nhất, Hà Nội đã lấy năm 2017 là “năm kỷ cương hành chính”. Bước đầu cho thấy những chuyển biến tích cực tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
“Hài lòng”, là cảm nhận chung của nhiều người dân khi đến làm thủ tục về cấp căn cước công dân, hộ khẩu cũng như đăng ký, sang tên đổi chủ mô tô xe máy tại Công an quận Long Biên, Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Chụ, trú tại tổ 8, phường Ngọc Thụy cho rằng, nếu như trước đây, thủ tục hành chính là một trong những ái ngại, phiền hà của công dân khi đến làm việc với cơ quan công quyền, thì nay đã được cải thiện đáng kể. Qua nhiều lần đến công an quận Long Biên giải quyết các thủ tục hành chính cho bản thân và gia đình, ông Nguyễn Văn Chụ nhận thấy những thay đổi tích cực về thời gian, thủ tục cũng như thái độ ứng xử của cán bộ tiếp nhận hồ sơ với công dân.
"Chỗ làm thẻ căn cước đấy tôi thấy các chị làm rất là nhanh. Số người đông, cũng có vài người phàn nàn, nhưng nói đúng ra là người ta cũng chưa hiểu về thủ tục hành chính. Người ta thấy đến lâu rồi mà chưa đến lượt, nhưng các cán bộ ở đây làm rất thứ tự, ai đến trước làm trước. Bản thân tôi thấy ở cơ quan công an là như thế là tốt" - ông Chụ nói.
Người dân làm thủ tuc cấp căn cước công dân tại CA quận Long Biên.
Thống kê cho thấy, mỗi ngày bộ phận cấp căn cước công dân, hộ khẩu cũng như đăng ký, sang tên đổi chủ mô tô xe máy tại Công an quận Long Biên tiếp hàng trăm lượt công dân, xử lý trên 200 hồ sơ các loại. Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Đội trưởng Đội quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an quận Long Biên cho biết, với phương châm “vì nhân dân phục vụ”, thời gian qua, Công an quận Long Biên luôn quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính.
Năm 2017 công tác này càng được chú trọng hơn. Cụ thể, ngoài việc thực hiện cấp căn cước công dân tại công an quận, công an quận Long Biên còn cấp lưu động cho cán bộ, công chức nhà nước đối với những người làm việc cả ngày trong tuần không có thời gian đi làm thủ tục từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối tại trụ sở công an các phường; cấp cho các cháu tại trường học và người già, người ốm đau không có khả năng đi lại.
Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa nói: "Thực hiện cơ chế liên thông một cửa, giảm số lần đi lại của nhân dân và cũng là giảm thời gian hẹn trả kết quả, để người dân khi đến đây giải quyết thủ tục hành chính có sự hài lòng. Chúng tôi luôn lấy phương châm là hết việc nhưng không hết giờ, tăng cường làm việc thêm giờ để phục vụ nhân dân".
Trong công tác cấp mới, thủ tục sang tên đổi chủ xe mô tô gắn máy cũng được bộ phận chuyên môn, Công an quận Long Biên thực hiện với mục tiêu giảm thủ tục, giảm số lần đi lại và giảm thời gian cho nhân dân.
Người dân làm thủ tục đăng ký xe máy tại CA quận Long Biên.
Đại úy Lương Thị Thu Hiền, Đội phó Đội giao thông trật tự cơ động, công an quận Long Biên cho biết: "Với phương châm là xin chào, xin cảm ơn và xin lỗi. Đối với những trường hợp mà không có kết quả thì chúng tôi trực tiếp xin lỗi người dân. Những trường hợp ấy là ưu tiên cử cán bộ đi rút hồ sơ sớm nhất và trả kết quả cho công dân được sớm nhất. Cái khó khăn lớn nhất trong đăng ký xe là công tác rút hồ sơ ở 30 các quận huyện. Nhưng trên tinh thần là phục vụ nhân dân, chúng tôi cố gắng trả kết quả sớm nhất (trước 30 ngày)".
Cùng với việc nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân tại các phòng ban, bộ phận chuyên môn như đăng ký quyền sử dụng đất, cấp thẻ căn cước công dân… chính quyền từ phường xã đến quận huyện trên địa bàn Hà Nội cũng đang tạo một cú hích trong “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của thành phố, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai đã rà soát lại công việc, nhiệm vụ của từng cán bộ để có sự điều chỉnh, sắp xếp phù hợp với khả năng, chuyên môn trước yêu cầu thực tế.
Ông Lê Hải Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Phú, quận Hoàng Mai cho biết, để tăng cường kỷ cương hành chính, phường đã thành lập tổ công vụ kiểm tra thường xuyên nội quy cũng như chấp hành thời gian từng cán bộ công chức. Hàng tuần, tập thể ủy ban sẽ phân loại, đánh giá kết quả công tác của cán bộ, thực hiện công khai để nhân dân và cơ quan giám sát.
Trong quá trình tiếp dân, giải quyết công việc của dân, vì bất kể một lý do chủ quan hay khách quan mà việc giải quyết chưa thỏa mãn thì chúng tôi đều có đánh giá, kiểm điểm, xin lỗi với dân, kèm theo đó là kết quả khắc phục" - ông Quang nói.
Rõ ràng, những kết quả bước đầu tại nhiều cơ quan, đơn vị cho thấy sự chuyển biến tích cực trong “Năm kỷ cương, hành chính” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bởi, mục đích cuối cùng của việc thực hiện kỷ cương hành chính tại cơ quan công quyền là sự thỏa mãn của người dân.