Những chức năng trên ôtô khiến lái mới 'toát mồ hôi'
- Công nghệ mới
- 16:58 - 26/12/2016
Để điều khiển ôtô với hàng chục chức năng là việc không quá khó, nhưng để thành thạo lại cần thời gian làm quen lâu. Để những tài xế mới, những người mới có bằng lái xe nhanh thành thạo, VnExpress giới thiệu những chức năng cơ bản để độc giả không còn bỡ ngỡ khi ngồi lên xe lạ.
Về cơ bản, số tay hay số thể thao là loại số chuyển bằng tay tùy thuộc ý muốn của tài xế, chứ không phải do xe tự động thay đổi. Việc chuyển số có thể thực hiện thông qua cần số hoặc lẫy trên vô-lăng. Có 3 loại cơ bản về số tay là giới hạn vài số, thay đổi +/- trên cần số và thay đổi trên vô-lăng.
Áp suất lốp xem ở sách hướng dẫn đi kèm xe hoặc ngay trên thành cánh cửa hoặc bậc lên xuống phía tài xế. Quan sát ở miếng sticker dán ở đây, tài xế sẽ biết được cần bơm bao nhiêu cho lốp xe mình.
Nhiều tài xế mới toát mồ hôi khi ngồi lên một xe đời mới tìm khắp nơi nhưng không thấy phanh tay để kéo, đó có thể là do xe sử dụng phanh tay điện tử. Phanh tay điện tử có một nút bấm trên đó có chữ P (Parking), chỉ cần ấn vào nút này là phanh tay sẽ kích hoạt, đèn sáng, khi muốn bỏ phanh tay chỉ cần móc ngược nút. Một số hãng thiết kế ngược, tức móc ngược là kích hoạt trong khi nhấn là bỏ kích hoạt.
Ở cánh cửa phía sau, tài xế có con nhỏ nên chủ động kích hoạt chức năng khóa trẻ em. Trên thành cánh cửa khi mở ra sẽ thấy có một lẫy hoặc khe nhỏ như ổ khóa, tùy thiết kế mỗi hãng xe. Xoay, gạt lẫy hoặc lấy chìa xoay ổ khóa sẽ kích hoạt chức năng này. Khi đó, lúc cánh cửa đang đóng, trẻ em sẽ không thể mở được từ bên trong.
Điều hòa ôtô thường có hai chế độ lấy gió là gió trong và gió ngoài. Theo đó, gió trong tức sử dụng lượng không khí trong xe để tuần hoàn làm mát, trong khi gió ngoài tức lấy không khí bên ngoài xe.
Thực tế sử dụng gió trong là chế độ gần như mặc định vì lấy gió ngoài có thể mang theo nhiều mùi lạ và bụi. Nhưng khi cần lấy không khí tươi để tránh mệt mỏi tài xế có thể chuyển sang gió ngoài, hoặc khi trong xe có mùi cũng có thể sử dụng gió ngoài kết hợp mở cửa sổ.
Ở những xe đời mới, dù để chế độ gió trong nhưng thỉnh thoảng xe tự lấy gió ngoài để cung cấp không khí tươi, tránh thiếu oxy cho người trên xe. Nhưng một số xe đời cũ không có tiện ích này, tài xế nên thay đổi giữa gió trong và ngoài khi di chuyển lâu.
Khi xoay núm trên cần điều khiển để bật đèn pha, xe thường ở chế độ chiếu gần (cos - cốt). Để chuyển sang chế độ chiếu xa, tài xế đẩy cần về phía táp-lô, ngược lại khi kéo cần về phía vô-lăng tức chuyển sang chế độ chiếu gần.
Khi đi trong thành phố, khu đông dân cư ôtô phải sử dụng đèn chiếu gần, đèn chiếu xa sử dụng ở ngoài khu dân cư.