Những chức danh nào được bảo vệ nghiêm ngặt?
- Tây Y
- 15:11 - 16/08/2016
Lực lượng cảnh vệ có được quyền nổ súng?
Dự án Luật Cảnh vệ gồm 5 chương, 29 điều với các quy định cụ thể về Nguyên tắc công tác cảnh vệ; chính sách của Nhà nước đối với công tác cảnh vệ và lực lượng cảnh vệ; đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của đối tượng cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng cảnh vệ; nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ; sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ…
Liên quan đến việc sử dụng vũ khí của lực lượng cảnh vệ, Điều 19 dự thảo Luật quy định sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được nổ súng trong các trường hợp: Để cảnh cáo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả; Để tiêu diệt đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc các chất độc hại khác tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ. Các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, trong thường trực Ủy ban còn ý kiến khác nhau về vấn đề này. Bên cạnh một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật thì một số ý kiến đề nghị chỉ quy định có tính nguyên tắc đối với lực lượng cảnh vệ khi thi hành công vụ; còn việc sử dụng vũ khí trong các trường hợp cụ thể phải tuân thủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, không nên quy định việc nổ súng riêng cho từng lực lượng có nhiệm vụ thực hiện công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Luật này cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu thiết kế lại để quy định bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại lo ngại quy định như thế là trao quyền quá lớn cho sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ về việc được hành động để tiêu diệt, tước bỏ mạng sống của người khác. Theo Chủ tịch Quốc hội, các cán bộ cảnh vệ đều được học, luyện võ thường xuyên, có thể quật ngã, khóa tay… đối tượng, không phải lúc nào cũng cần nghĩ sớm đến trường hợp nổ súng. “Để gây thương tích cho đối tượng cũng không nhất định phải nổ súng mà có nhiều phương tiện phòng vệ, tấn công khác. Không nên ghi về quyền nổ súng, tiêu diệt đối tượng sớm quá” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, quy định về chế độ nổ súng đảm bảo rất chặt chẽ. Quy định hiện hành về vấn đề này tại một nghị định của Chính phủ chưa đạt yêu cầu công tác thực tế. Người đứng đầu ngành công an dẫn chứng, trong lực lượng cảnh vệ đáng lẽ phải có bộ phận bắn tỉa nhưng để thành lập, hoạt động thì rất khó khăn.
“Vậy nên nếu giờ vẫn không quy định trong luật về quyền nổ súng thì rất hạn chế hoạt động của lực lượng cảnh vệ để hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Việc nổ súng trấn áp đe dọa rất quan trọng, các nước đều có, chứ không riêng gì lực lượng tiếp cận. Nếu quy định khắt khe quá thì anh em luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp, khó khăn trong triển khai” - Thượng tướng Tô Lâm nói.
Không mở rộng đối tượng được bảo vệ
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ, vì đây là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.
“Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ” - Thượng tướng Tô Lâm nói.
Tuy nhiên, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội lại nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành. Ủy ban này cho rằng, khi bổ sung các đối tượng trên thì một số chức danh bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung. Như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ.
Ủng hộ việc phải có Luật Cảnh vệ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nhất thiết mở rộng đối tượng cảnh vệ vì nếu đưa Bộ Ngoại giao vào thì các hoàn cảnh khác, Bộ trưởng khác thế nào trong khi Bộ trưởng Ngoại giao đã cơ cấu Bộ Chính trị rồi. "Thực tiễn hoạt động cảnh vệ cho thấy không nhất thiết mở rộng đối tượng. Kinh nghiệm các nước thì những đối tượng như thế cũng không cần. Vậy nên giữ như pháp lệnh hiện nay là được"- bà Ngân đề nghị.
Diễn ra trong hai ngày 15, 16/8, phiên họp thứ 2 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tập trung bàn bạc và thảo luận những nội dung như đánh giá kết quả bước đầu việc tổ chức kì họp thứ nhất và cho ý kiến việc chuẩn bị cho kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ; dự án Luật Công an xã. Kỳ họp này cũng sẽ cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016; Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư. |