Bộ LĐ-TB&XH tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới:
Những chính sách chưa từng có trong tiền lệ đi vào lòng dân
- Tây Y
- 09:30 - 16/06/2023
Chiều ngày 15/6, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bí Thư trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng chủ trì hội nghị.
Các chính sách an sinh xã hội đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận báo cáo về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo báo cáo, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28, của Bộ Chính trị khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban cán sự đảng và Đảng ủy Bộ LĐTBXH đã nghiêm túc chấp hành lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Ban cán sự đảng Bộ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành; xây dựng và lồng ghép các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết vào Chương trình công tác, Kế hoạch 5 năm và hàng năm với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Cấp ủy các đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác giáo dục quốc phòng, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức, cũng như đội ngũ học sinh sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, làm tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Qua đó, kết quả đạt được đều khắp trên các lĩnh vực.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; hơn 99% gia đình người có công có cuộc sống bằng, hoặc cao hơn người dân nơi cư trú. Triển khai chính sách việc làm, bình quân mỗi năm cả nước giải quyết việc làm trong nước khoảng 1,5 đến 1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giữ ở mức dưới 3% đến 4%; số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng trung bình 10%/năm. Công tác giảm nghèo tiếp cận đa chiều được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đổi mới về phương thức tổ chức thực hiện. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015, gấp 3,5 lần so với năm 2010. Chính sách trợ giúp xã hội đã được sửa đổi, mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng, được thực hiện đúng mục đích, đối tượng. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm, từ hơn 2,3 triệu người năm 2012 lên hơn 3,1 triệu người vào năm 2020...
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành trong các năm qua đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội, Chính phủ giao. Các thành tựu nổi bật của Ngành đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững. “Những kết quả của Ngành LĐ-TB&XH đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tới, nhất là việc xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng an ninh trong tình hình mới”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức những vấn đề liên quan đến ngành như thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp, vấn đề bình đẳng giới, vấn đề chất lượng việc làm, cơ cấu nguồn nhân lực, các chính sách xã hội còn thiếu bao trùm, liên kết. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, các nhóm đối tượng đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ LĐ&TB-XH tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ngành tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, đó là: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong Đảng ủy Bộ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hơn nữa thể chế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm đáp ứng tốt hơn hoạt động quản lý điều hành để thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; kịp thời giải quyết những vấn đề xã hội còn bức xúc mà người dân quan tâm liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. Tập trung cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, bền vững; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội dựa trên quyền con người, phát triển chính sách an sinh xã hội cùng với phát triển kinh tế là nền tảng bền vững kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Những chính sách chưa từng có trong tiền lệ
Tại hội nghị các đại biểu cũng nghe các tham luận, phân tích, làm rõ những ưu điểm, kết quả nổi bật; những hạn chế khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện; xác định phương hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp những năm tiếp theo gắn với đặc thù của ngành LĐ-TB&XH trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Chính phủ và quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng đối với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay mặt Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Trung ương ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả quan trọng mà ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong 10 năm qua. Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo học tập, nghiên cứu nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp lớn được xác định trong NQ TW8 khóa 11. Quá trình tổ chức thực hiện đã gắn kết chặt chẽ với chức năng, nhiệm vụ của Bộ trên 14 lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng.
Hệ thống chính sách mà Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành đã đi vào cuộc sống đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là chính sách người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội. Trong đó, có những chính sách chưa từng có trong tiền lệ. Báo cáo của Văn phòng Trung ương tổng hợp cho thấy, trong 3 năm gần đây, cả nước đã hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho gần 60 triệu người trong đại dịch Covid-19, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cùng những kết quả đạt được, nhất là sau dịch bệnh những khó khăn, thách thức nhằm đảm bảo an sinh xã hội còn nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, năng xuất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, chênh lệch giàu nghèo…tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm triển khai bằng những giải pháp hiệu quả hơn.
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong thời gian tới đất nước ta tiếp tục đứng trước nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình như vậy, tôi đề nghị trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH phải tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ trung tâm xây dựng chỉnh đốn đảng là then chốt phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng tâm và chúng ta phải phấn đấu là đạt được tiến bộ công bằng xã hội trong mỗi bước phát triển kinh tế. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên toàn ngành cần tiếp tục nhất quán quan điểm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế; là nền tảng căn bản để đất nước phát triển nhanh, bền vững và đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đề ra.
Cùng với đó bảo vệ vững chắc thành quả sự nghiệp đổi mới, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Đồng thời, tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh quốc phòng toàn dân; xây dựng nền quốc phòng - an ninh theo hướng toàn dân, toàn diện, đủ sức ngăn chặn, đầy lùi mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng, qua tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức, đồng lòng, chung sức cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện thực hóa khát vọng xây đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Trước hết là cụ thể hóa những nội dung mới bằng các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hằng năm. Trong đó, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá phù hợp với tình hình theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ và của từng đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm sát với yêu cầu thực hiện các chiến lược trong thời kỳ mới. "Cán bộ, đảng viên của Bộ cần làm tốt công việc của mình, đặc biệt xây dựng thể chế, không để nợ đọng văn bản, toàn tâm, toàn ý với công việc khắc phục tình trạng nói nhưng không làm, đùn đẩy, né tránh, làm sao để công việc trôi chảy, hiệu quả", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt.