THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:05

Những chi tiết đáng chú ý từ danh sách 200 ủy viên BCH Trung ương

Ủy viên trẻ nhất 37 tuổi (ông Lê Quốc Phong - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ủy viên dự khuyết).

Ủy viên chính thức trẻ nhất là ông Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang) và ông Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) - cùng 40 tuổi (sinh năm 1976). Hai ông cũng là những Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất hiện nay.

Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XII, ngày 27.1

19 người dưới 45 tuổi. Cơ cấu tuổi Trung ương mới về cơ bản là "trẻ": nhóm 39-49 tuổi chiếm 23,5%, nhóm 50-59 tuổi chiếm 70,5%, từ 63-70 tuổi hoàn toàn vắng bóng. Trên 70 tuổi có ông Nguyễn Phú Trọng. Độ tuổi trung bình của Ban chấp hành khóa XII là 53.

Số người tái cử là 104, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

4 phó thủ tướng tái cử. Trong các thành viên Chính phủ, có 4 Phó thủ tướng trúng cử Ban chấp hành khóa XII là các ông Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Trong các thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (1954) được BCH TƯ khóa XI giới thiệu làm Thủ tướng, thay ông Nguyễn Tấn Dũng.

6 bộ trưởng tiếp tục tham gia Ban chấp hành trung ương khóa XII gồm:

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (1961)
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (1956)
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (1957)
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (1956)
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng (1960)
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (1961)

Có 13 ủy viên trung ương khóa mới đang nắm giữ các vị trí chủ chốt trong Quốc hội bao gồm 3 Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng; Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc; 4 chủ nhiệm ủy ban là ông Phùng Quốc Hiển, Phan Xuân Dũng, Nguyễn Văn Giàu và bà Trương Thị Mai. 

16 ủy viên chính thức khoá trước được giới thiệu nhưng không trúng cử, trong đó Bộ Y tế không có đại diện nào dù có hai đề cử là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Bốn trường hợp “đặc biệt” được Trung ương đề xuất thì một người không đủ phiếu bầu là Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Các nhân sự được đại hội giới thiệu thêm đều không trúng cử.

14 bộ trưởng không tham gia Ban chấp hành khóa XII, bao gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; Bộ trưởng TNMT Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân; Bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh được Ban chấp hành khóa XI giới thiệu nhưng không trúng cử.

Bộ Quốc phòng đóng góp nhiều nhân sự nhất với hơn 20 người, gồm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xuân Lịch, 2 Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ, 5 thứ trưởng là các ông Lê Chiêm, Trần Đơn, Bế Xuân Trường, Vũ Trọng Việt, Nguyễn Chí Vịnh.

Trong danh sách Ban Chấp hành trung ương còn có 7 tư lệnh quân khu, 2 chính ủy quân khu, phó chính ủy, phó tư lệnh quân khu... và Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng.

Ngành công an góp mặt 5 đại diện, bao gồm Bộ trưởng Trần Đại Quang và 4 thứ trưởng Bùi Văn Nam, Tô Lâm, Nguyễn Văn Thành, Lê Quý Vương.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (1956) được Ban chấp hành Khóa XI giới thiệu làm Chủ tịch Nước.

Về phía địa phương: Hà Nội có 2 ủy viên chính thức là: Bà Ngô Thị Thanh Hằng (Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội) và ông Nguyễn Đức Chung (Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội).

TP Hồ Chí Minh có 3 ủy viên chính thức là ông Võ Văn Thưởng (Phó Bí thư thường trực Thành ủy); ông Nguyễn Thành Phong (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP) và ông Tất Thành Cang (Phó Bí thư Thành ủy).

Bên cạnh đó, 51 Bí thư Tỉnh ủy, 8 Phó Bí thư Tỉnh ủy, 4 Chủ tịch tỉnh trúng cử làm Ủy viên chính thức BCH Trung ương XII. Như vậy, trong 63 tỉnh thành, có địa phương chỉ có Phó Bí thư trúng cử, cũng có tỉnh có hai nhân sự tham gia Trung ương lần này, bởi vậy một trong hai vị trí này dự kiến sẽ được luân chuyển sau Đại hội.

Từng giữ vị trí bí thư trung ương Đoàn. Ngoài ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiều ủy viên Ban chấp hành khóa XII cũng từng kinh qua vị trí bí thư trung ương Đoàn.

Cụ thể, nhiều vị nguyên là bí thư thứ nhất, bí thư thường trực, bí thư BCH Trung ương Đoàn các thời kỳ. Đó là các ông: Hoàng Bình Quân, Đào Ngọc Dung, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thành Phong, Bùi Văn Cường, Phan Văn Mãi và các bà Trương Thị Mai, Lâm Thị Phương Thanh.

 

26 thứ trưởng tham gia Ban chấp hành XII, bao gồm: Thứ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm; Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành; Thứ trưởng - Phó chủ nhiệm ủy ban Dân tộc Sơn Minh Thắng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thuỷ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường; Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Trọng Việt; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan (ủy viên dự khuyết)

Ủy viên xuất thân từ gia đình truyền thống. Trong danh sách 200 ủy viên khóa XII, có nhiều người có xuất thân từ các gia đình truyền thống, có cha là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương các khóa trước: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là con cố ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; Ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là con cố đại tướng, ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh; Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang là con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là con trai nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi; Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương là con trai của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. 

Doanh nghiệp Nhà nước có 2 ủy viên chính thức là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thiếu tướng, Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel; ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và 1 ủy viên dự khuyết là ông Nguyễn Văn Thắng (43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam).

Xuân Quang- Thanh Hải/ Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh