THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:55

Những “căn bệnh” mà xe máy hay gặp phải khi trời lạnh

 

Khi gặp trời lạnh, chiếc xe máy mà bạn đi hàng ngày "bỗng nhiên dở chứng". Đừng quá lo lắng...

 

Hãy ghi nhớ những cách xử lý dưới đây để vận hành tốt chiếc xe của bạn:

Xe máy khó khởi động vào buổi sáng

Thông thường, khi gặp tiết trời lạnh hoặc không sử dụng khoảng 6-8 tiếng trở lên, môtô, xe máy sẽ khó khởi động và có tiếng nổ không đều.

Nguyên do là khi trời lạnh, khả năng bay hơi của nhiên liệu giảm làm cho hỗn hợp hòa trộn nhiên liệu và không khí thường không đủ độ đậm đặc (“đói” xăng) hơn lúc máy nóng hay thời tiết ấm. Chính vì vậy, tỉ lệ căn chỉnh gió và nhiên liệu tại bộ chế hòa khí ảnh hưởng trực tiếp đến việc khởi động xe.

Nguyên nhân xe máy khó nổ vào mùa đông thường bắt nguồn ở bộ phận chế hòa khí và kèm theo đó là khu vực đánh lửa bị ảnh hưởng.

Có trường hợp, khi trời lạnh hoặc độ ẩm cao, lượng không khí trong động cơ xe bị ngưng tụ những giọt nước nhỏ trong chế hòa khí và ống dẫn nhiên liệu. Vì vậy, lượng không khí cần thiết để đáp ứng cho quá trình khởi động xe bị thiếu hụt gây nên tình trạng khó nổ.

Không những vậy, lượng nước bị ngưng tụ cũng có thể làm tắc một số bộ phận dẫn nhiên liệu hoặc ảnh hưởng đến bộ phận đánh lửa và nhanh tạo ra muội than tại bu-gi.

Để khắc phục hiện tượng này, bạn hãy đóng le gió để nhiên liệu cung cấp cho buồng đốt được nhiều hơn và động cơ dễ nổ hơn. Sau khi động cơ đã hoạt động đều thì các bạn hãy mở le gió trở lại hiện trạng ban đầu.

Đối với xe số, bạn có thể sử dụng cách thứ 2 là đạp cần khởi động. Nếu xe để không hoạt động trong ngày từ 6 tiếng trở lên, trước khi nổ máy nên tắt hết đèn, đạp cần khởi động xe.

Xe giật cục khi mới vận hành

Với những chiếc xe máy số, hiện tượng "giật cục" khi mới vận hành trong thời tiết lạnh là khá phổ biến.

Nguyên nhân là do khi động cơ vận hành trong tình trạng máy còn lạnh, nhiệt độ thấp làm giảm khả năng bôi trơn của dầu nhớt. Đồng thời làm nhiệt độ buồng đốt chưa đạt được độ nóng cần thiết. Và đây cùng là lúc mà độ hao mòn động cơ ở mức cao.

Để khắc phục hiện tượng này, mỗi buổi sáng sớm, bạn nên cho xe vận hành ở chế độ garanti (nổ máy không tải) khoảng 1, 2 phút. Khi vặn tay ga thấy máy nổ mượt và đều, đó chính là lúc động cơ và dầu đã đạt được nhiệt độ cần thiết.

Lưu ý là không nên ngay lập tức vặn ga hết cỡ khi xe vừa mới nổ máy, điều này có thể gây ra hiện tượng xe bị sặc, chết máy, và cũng là nguyên nhân khiến xe nhanh chóng bị hỏng.

Ở xe tay ga, bạn cần giữ ga đều đều khi mới khởi động, rồi mới dần dần tăng ga. Còn với xe máy số, thì bạn nên chạy xe từ số 1, tăng dần lên số 2 và chạy ít nhất 1 km đầu tiên ở số 3, rồi mới tăng lên số 4.

Tay phanh xe máy bị cứng

Thông thường, khi trời lạnh, không khí hanh khô thường xuất hiện, điều này làm khô dầu tay ga, tay phanh khiến cho việc sử dụng trở nên khó khăn và gây mất an toàn khi vận hành.

Để khắc phục hiện tượng này bạn nên kết hợp hai cách:

Thứ nhất, không nên để dây phanh quá căng. Nguyên do là bởi lúc vào mùa lạnh, tay dễ bị cóng dẫn đến mất cảm giác, nên lực phanh thường mạnh hơn thông thường. Việc để dây phanh quá căng khiến tình trạng phanh gấp dễ xảy ra dẫn đến mất an toàn.

Việc căn chỉnh dây phanh bạn có thể tự làm một cách khá dễ dàng với thao tác nới ốc giữ chốt phanh cho loại phanh tang trống (phanh đùm). Với loại phanh sử dụng dầu ép thủy lực (phanh dầu), bạn nên mang xe ra ngoài cửa hàng sửa chữa để nhờ đặt lại nấc bơm dầu.

Thứ hai, nên xúc rửa và tra dầu mỡ mỗi khi thấy hiện tượng dây phanh và dây ga nặng hoặc kẹt.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh