CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:01

Những biểu hiện lâm sàng của bệnh suy tim cần biết

 

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh lý van tim, cơ tim, màng ngoài tim, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tuyến giáp... Trong đó, nguyên nhân gây suy tim phổ biến nhất là bệnh lý mạch vành, chiếm tỷ lệ trên 50%. Các nguyên nhân phổ biến tiếp theo là tăng huyết áp và bệnh lý van tim. Suy tim gia tăng theo tuổi thọ, một thống kê mới đây cho thấy tần suất mắc suy tim ở độ tuổi trên 65 là khoảng 1/100 dân.

Tỷ lệ mắc suy tim ở nam cao hơn nữ giới. Bên cạnh đó, bệnh tim bẩm sinh không được phẫu thuật sớm cũng là một nguyên nhân suy tim ở trẻ em. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1,6 triệu người bệnh suy tim.

Theo BS. Bùi Thế Dũng – Trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược: Biểu hiện lâm sàng chính của suy tim là mệt mỏi, khó thở và ứ dịch. Người bệnh suy tim thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn ngủ, hay tiểu đêm, cân nặng thay đổi thất thường. Bên cạnh đó, người bệnh có nhiều triệu chứng về thở như thở nông, thở nhanh, thở khó (khó thở khi gắng sức, khó thở khi nghỉ ngơi, khó thở kịch phát về đêm), thở nhanh xen kẽ giai đoạn ngưng thở.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi


 Ứ dịch sẽ dẫn đến sung huyết phổi cũng như phù ngoại vi ở vị trí chân, bụng, vùng sinh dục… hoặc thậm chí phù toàn thân. Tuy nhiên, không phải người bệnh suy tim nào cũng bị ứ dịch.

“Suy tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những bệnh lý tim mạch. Có khoảng 50.000 người bệnh suy tim tử vong hàng năm. Tỷ lệ tử vong do suy tim thậm chí cao hơn tỷ lệ tử vong do một số loại bệnh ung thư. Mặc dù hiện có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn còn rất cao. Khoảng 50% người bệnh suy tim sẽ tử vong sau 5 năm. Suy tim ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều mức độ khác nhau: từ suy giảm khả năng gắng sức, giảm tập trung, giảm chất lượng giấc ngủ, cho đến khó thở thường xuyên khiến người bệnh phải nằm nghỉ thường xuyên và tăng số lần nhập viện. Ảnh hưởng của suy tim đến chất lượng sức khỏe sẽ càng nặng nề hơn trên người bệnh có các yếu tố trẻ tuổi, là nữ giới, mắc bệnh béo phì, đái tháo đường, trầm cảm, mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc người bệnh đã bước vào giai đoạn suy tim nặng. Bên cạnh đó, nguy cơ nhập viện đối với người bệnh suy tim cũng cao hơn người bình thường, dẫn đến những gánh nặng lâu dài về điều trị và chi phí cho người bệnh và gia đình.” BS Dũng cho biết.

Các phương pháp điều trị suy tim hiện tại bao gồm: chế độ ăn uống – sinh hoạt hợp lý, dùng thuốc, can thiệp nội mạch, đặt các thiết bị hỗ trợ tim,  phẫu thuật tim và ghép tim.

Phẫu thuật nội soi tim cho người bệnh


Điều trị nội khoa bằng các loại thuốc như ức chế men chuyển, chẹn thụ thể, chẹn beta, kháng aldosterone  có thể giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong hoặc giúp cải thiện triệu chứng như thuốc lợi tiểu, thuốc tăng co bóp cơ tim.

 Đặt thiết bị hỗ trợ: Sau khi người bệnh đã được điều trị bằng thuốc tối ưu ít nhất 3 tháng nhưng không tiến triển thì các thiết bị hỗ trợ sẽ được cấy vào tim người bệnh để phòng ngừa đột tử ( như máy khử rung tự động) cũng như giảm thiểu triệu chứng và tỷ lệ tử vong (như máy tái đồng bộ tim). Với những trường hợp suy tim tiến triển, đang chờ đợi được ghép tim thì cần được cấy các thiết bị hỗ trợ thất hoặc tim nhân tạo.

Can thiệp nội mạch và phẫu thuật tim có thể giúp điều trị khỏi hẳn suy tim (như vá hoặc bít các lỗ thông trong tim, thay van tim) hoặc giảm thiểu triệu chứng và tỷ lệ tử vong (như can thiệp mạch vành, phẫu thuật bắc cầu mạch vành, phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp…) cho người bệnh. Ghép tim được chỉ định đối với người bệnh suy tim giai đoạn cuối với triệu chứng nặng, tiên lượng xấu và không còn phương pháp trị liệu nào khác thay thế.

BS. Bùi Thế Dũng cho biết thêm, yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị là việc người bệnh thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Đây là điều người bệnh suy tim bắt buộc phải thực hiện, bên cạnh các phương pháp y học. Xây dựng lối sống lành mạnh bao gồm việc không hút thuốc, hạn chế chất cồn và caffein, giảm lượng muối trong bữa ăn, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối, thức ăn chế biến sẵn (nước mắm, tương, cá khô,….) và thức ăn béo, nhiều dầu mỡ, thường xuyên tập thể dục… nhằm ổn định huyết áp, đường huyết, tăng cường sức khỏe tim mạch. Bên cạnh đó, người bệnh suy tim cần được đánh giá toàn diện và thiết lập chương trình quản lý, chăm sóc lâu dài. Có như vậy, người bệnh mới có thể tăng cường chất lượng sức khỏe, cuộc sống và gia tăng tuổi thọ.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh