Những bệnh thường gặp trong mùa hè
- Tây Y
- 10:02 - 12/07/2024
Các bệnh truyền nhiễm mùa hè, mặc dù không phải là những bệnh nan y, nhưng nếu không phòng tránh kịp thời và chủ động tiêm phòng, có thể dẫn đến các biến chứng nặng và nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Sởi
Nguyên nhân:
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus Paramyxoviridae gây ra, bệnh rất dễ bùng phát thành dịch. Sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, dễ tấn công người chưa có miễn dịch, đặc biệt là trẻ em chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Triệu chứng:
Khi bị sởi, người bệnh sẽ bị nổi các nốt đỏ thành từng mảng dày ở sau tai, mặt rồi lan xuống cổ và ngực kèm theo sốt cao, ho dai dẳng hoặc mắt đỏ. Các triệu chứng của sởi rất dễ nhầm với biểu hiện của rôm sảy, dị ứng, thủy đậu, rubella… Chính sự nhầm lẫn này dẫn đến cách phòng lây nhiễm, điều trị không đúng, làm cho bệnh sởi của trẻ tiến triển sang thể nặng, đồng thời dễ làm bệnh lan rộng thành dịch.
Sởi có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não. Khi biến chứng nghiêm trọng, bệnh nhi có tỷ lệ tử vong cao.
Cách phòng bệnh sởi
Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban… phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của sởi. Cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để cách ly trẻ, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Bố mẹ nên chủ động cho trẻ tiêm phòng sởi sớm. Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, trẻ cần tiêm mũi thứ 1 ngay từ 9 tháng tuổi, tiêm nhắc lại mũi thứ 2 lúc 18 tháng (vắc xin chứa thành phần sởi và rubella). Bên cạnh đó, khi trẻ đến 12 tháng, bố mẹ cũng cần bổ sung thêm mũi vắc xin phối hợp Sởi – Quai bị – Rubella để trẻ có thể được bảo vệ khỏi 3 bệnh này.
Phụ nữ mang thai nếu bị bệnh sởi thì thai nhi có thể bị dị dạng, thai chết lưu, sảy thai, sinh non… do đó các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên tiêm phòng trước khi mang thai. Bà bầu có dấu hiệu bệnh sởi nên đến cơ sở y tế khám, theo dõi dấu hiệu của thai để được hỗ trợ y tế kịp thời.
Thủy đậu
Nguyên nhân:
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm gây ra do virus Varicella Zoster (VZV). Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người mang bệnh qua con đường nói chuyện, ho, hắt hơi. Thủy đậu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành, phát triển và sức khỏe của thai nhi.
Triệu chứng:
Thủy đậu có biểu hiện ban đầu là nổi các mụn nước trên da và niêm mạc, sốt cao, suy nhược, mệt mỏi. Thủy đậu có tốc độ lây lan nhanh, truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời.
Bệnh thủy đậu có thể khỏi hoàn toàn sau 1 – 2 tuần nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời và đúng cách nếu không bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm phổi…
Cách phòng bệnh thủy đậu:
Hiện nay, thủy đậu chưa có thuốc đặc trị nhưng có thể phòng ngừa dễ dàng được bằng cách tiêm phòng. Vắc xin ngừa thủy đậu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng mắc bệnh. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, lịch tiêm gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 3 tháng. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn, lịch tiêm gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1.5 tháng.
Đối với phụ nữ trước khi mang thai, bộ Y tế khuyến cáo, nên tiêm vắc xin phòng thủy đậu trước khi mang thai tối thiểu là 1 tháng.
Ngoài ra, người bị thủy đậu cần phải được cách ly cho đến khi các mụn nước khô hoàn toàn. Người bệnh nên ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời và nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm Não Nhật Bản
Nguyên nhân:
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng của não do virus viêm não Nhật Bản gây ra, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa hè.
Từ tháng 5/2019, tại BV Nhi Đồng I (TP.HCM) ghi nhận, mỗi ngày có hơn 10 ca nhập viện do viêm não Nhật Bản, đáng chú ý là các trường hợp bị viêm não Nhật Bản đều do không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ.
Triệu chứng:
Bệnh Viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột, sốt cao trên 39 độ, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp… Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa may, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, vận động. Khi biến chứng nặng, viêm não Nhật Bản sẽ gây động kinh, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản:
Viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bố mẹ cần cảnh giác và theo dõi cẩn thận, nếu thấy trẻ sốt cao cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm phòng là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Tại Việt Nam, hiện đang có 2 loại vắc xin ngừa Viêm não Nhật Bản. Một loại do Việt Nam sản xuất là vắc xin Jevax, tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, mũi 2 tiêm cách mũi 1 từ 1- 2 tuần, mũi 3 tiêm nhắc lại sau 1 năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần để duy trì miễn dịch.
Ngoài ra còn có vắc xin phòng Viêm não Nhật Bản thế hệ mới – Imojev do Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất tại Thái Lan đã chính thức ra mắt và triển khai tiêm trên toàn hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC. Vắc xin Imojev được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và nhắc lại duy nhất 1 mũi sau 1 – 2 năm. Người lớn trên 18 tuổi tiêm 1 mũi duy nhất vắc xin Imojev.