THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:53

Những bệnh mùa nắng nóng ở trẻ và cách dự phòng

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, một số bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng:

Tiêu chảy cấp - ngộ độc thức ăn

Bệnh tiêu chảy cấp - ngộ độc thức ăn rất phổ biến ở trẻ em <5 tuổi ở các nước đang phát triển. Nhất là trong mùa nắng nóng, thực phẩm thường dễ bị ôi thiu.  ếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng sau này.

Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần chú ý bù đủ nước cho trẻ. Tái khám kịp thời khi: Trẻ đi tiêu nhiều lần, phân nhiều nước hơn; khát nhiều, kích thích, vật vã; sốt cao; phân có nhầy đờm hoặc máu; nôn ói mọi thứ; không ăn uống được...

Trẻ dễ mắc viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên dễ gặp ở trẻ và đây là bệnh lý có nguyên nhân hàng đầu đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Khi mắc viêm đường hô hấp trên cấp, trẻ thường có biểu hiện: Sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, buồn nôn, nôn…

Bệnh thay đổi từ nhẹ (có thể tự giới hạn) đến nặng, nguy kịch. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng - mũi họng, giữ ấm cho trẻ lúc về đêm khi sử dụng quạt, máy lạnh cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, sử dụng thuốc giảm đau - hạ sốt khi cần thiết.

Cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khi có các biểu hiện nặng hơn hoặc không yên tâm về tình trạng của trẻ. Các biểu hiện cần khám ngay là khi trẻ sốt cao, đau đầu tăng dần, nôn ói, ăn uống kém, khó thở, thở nhanh, tím tái...

Trẻ dễ bị nhiễm virus

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, khoảng 1/3 số trẻ em trên toàn thế giới bị lây nhiễm các loại virus và đặc biệt trẻ em cũng được xếp vào nhóm có tỉ lệ tử vong cao do virus gây nên. Đây là tác nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các biểu hiện: sốt, phát ban, ho, nhảy mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt, đau đầu, đau cơ, đau mắt… một số có thể biếng ăn, nôn ói, mệt mỏi nhiều... khiến người thân lo lắng. 

Bệnh có thể tự giới hạn sau 5 - 7 ngày nếu được chăm sóc và theo dõi đúng cách. Tuy nhiên, một số tác nhân siêu vi gây bệnh nguy hiểm trong mùa hè mà cha mẹ cần chú ý như: Viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết Dengue... khiến nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Đặc điểm chung là bệnh lây truyền do bị muỗi đốt, vì vậy, dự phòng cho trẻ bằng cách: Vệ sinh môi trường sạch sẽ, cho trẻ ngủ màn để tránh bị muỗi đốt, tiêm ngừa vaccine viêm não Nhật Bản.

Riêng với sốt xuất huyết Dengue hiện chưa có có vaccine phòng bệnh, dự phòng chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, tránh để bị muỗi đốt, diệt lăng quăng.

Để phòng bệnh hiệu quả giúp trẻ có sức khỏe tốt nhất khi thời tiết nắng nóng gay gắt, VTC.VN dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Tấn Hưng (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) cho biết, trước tiên cần bổ sung đầy đủ nước, chất dinh dưỡng và các yếu tố vi lượng gồm vitamin, khoáng chất cho trẻ hàng ngày.

Theo bác sĩ Hưng, thời tiết nắng nóng khiến thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Phụ huynh cần đảm bảo các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm như ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không được ăn thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu.

Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, không cho trẻ vui chơi ngoài trời khi nhiệt độ cao, đồng thời vệ sinh mũi họng hàng ngày để làm sạch và giúp thông thoáng đường thở.

Bên cạnh đó, khi chống nắng, nóng cho trẻ bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh, viêm phổi. Gió quạt thổi trực tiếp vào mặt trẻ còn có thể gây khô miệng, khô mũi. Nếu trẻ dễ bị dị ứng, gió quạt cũng có thể thổi các tác nhân dễ gây dị ứng gây chảy nước mũi hoặc ngứa mắt.

Khi cho trẻ trong phòng có điều hòa, cha mẹ nên để nhiệt độ phòng chênh lệch tối đa trong khoảng 8 - 10 độ C so với nhiệt độ môi trường bên ngoài hoặc nhiệt độ phòng trong khoảng 27 - 29 độ C.

Cũng theo bác sĩ Hưng, nắng nóng kéo dài cũng là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh về da như mẩn ngứa, dị ứng. Các tia bức xạ như UVA, UBV chiếu trực tiếp trên da có thể gây nên các bệnh viêm da do ánh nắng, dày sừng do ánh sáng, cháy nắng, ung thư.

“Đặc biệt, nếu trẻ có những biểu hiện như sốt cao, li bì, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy kèm xuất huyết, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, không tự ý chăm sóc trẻ ở nhà, tránh trường hợp sốt cao, co giật, để lại hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Hưng lưu ý. 

BM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh