Những ai phải nộp ảnh chân dung cho nhà mạng?
- Tây Y
- 22:21 - 08/04/2018
Theo đó, nhà mạng Viettel nhắn tin thông báo hạn cuối cùng là ngày 24/4, còn với MobiFone hạn chót là 30/4. Còn Vinaphone, sau ngày 24/4/2018 số thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin có khả năng sẽ bị khóa 1 chiều.
Từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 nhiều người dân sử dụng các mạng di động nhận được tin nhắn với nội dung: "Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thông tin thuê bao di động phải chính xác, bổ sung hình ảnh chân dung. Để đảm bảo quyền lợi, quý khách soạn TTTB gửi 1414 để kiểm tra, đồng thời mang CMND/thẻ căn cước/hộ chiếu đến cửa hàng giao dịch để bổ sung thông tin. Ngoài ra quý khách có thể tự bổ sung thông tin tại ứng dụng".
Để hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao, VinaPhone sẽ mở tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21 giờ hàng ngày, đồng thời mở thêm nhánh 3 của tổng đài 18001091 để tiếp nhận và giải đáp và tư vấn hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao”, đại diện Vinaphone cho biết.
Theo Nghị định 49 các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ký hợp đồng với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ các SIM thuê bao di động đã được doanh nghiệp phân phối cho các đại lý. Sau thời gian quy định, các điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối SIM thuê bao đang hoạt động nếu không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Nghị định này phải ngừng hoạt động tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao, bán SIM.
Những thuê bao nào nhận tin nhắn từ nhà mạng mới đăng ký lại cho nhà mạng
Nghị định này cũng đưa ra các mức xử phạt nặng cho các hành vi vi phạm với từng chủ thể (doanh nghiệp viễn thông di động, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông di động, chủ thuê bao viễn thông di động), đặc biệt là hành vi cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân có thông tin thuê bao không đúng quy định. Một số quy định xử phạt đáng chú ý bao gồm: Phạt doanh nghiệp viễn thông di động với mức xử phạt cao (mức phạt lên đến 1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao) đối với việc cung cấp dịch vụ cho chủ thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định.
Ngoài phạt doanh nghiệp, còn có thể phạt cả người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp viễn thông di động đối với các sai phạm lớn (mức phạt lên tới 100 triệu đồng); Phạt tiền doanh nghiệp viễn thông di động đến 30 triệu đồng với mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không tuân thủ đúng quy định khi thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Phạt tiền tổ chức, cá nhân đến 40 triệu đồng khi bán, lưu thông SIM thuê bao đã nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ; bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền; Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi cung cấp hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân…
Đây là quy định nhằm quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn tránh tình trạng sim rác và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, hiện có nhiều người dùng cho rằng việc nộp ảnh chân dung là không cần thiết và gây phiền cho họ.
Thật ra phiền nhiễu chỉ là chuyện nhỏ, điều đa số người dùng di động lo lắng nhiều hơn chính là nguy cơ lộ thông tin cá nhân. “Bảo mật tuyệt đối” chính là đòi hỏi của người dùng đặt ra cho nhà mạng khi mà họ đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu, kể cả khá riêng tư, từ nhà mạng.