Những ai có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới?
- Y học 360
- 22:47 - 28/11/2020
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Theo thống kê, suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở 40% dân số trưởng thành. Trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc cao hơn nam 2 - 3 lần. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn mơ hồ về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Do bệnh diễn tiến âm thầm khiến người bệnh khó phát hiện.
ThS.BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp, Tim mạch - Hô hấp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết: Triệu chứng của căn bệnh này thường rất dễ bỏ qua. Không đi khám kịp thời nên thường những bệnh nhân đến viện với triệu chứng ở giai đoạn tiến triển. Loạn dưỡng da, tạo thành các mảng sắc tố ở trên da, da vùng cẳng chân. Nặng hơn có hiện tượng phù, có tĩnh mạch nổi trên da. Tỷ lệ ở nữ cao hơn rất nhiều so với ở nam.
Cũng do suy nghĩ chỉ có phụ nữ mới dễ mắc bệnh nên ông H.N., 73 tuổi chủ quan không đi thăm khám. Đến khi nhập viện thì chân của ông đã nổi nhiều tĩnh mạch.
Ông chia sẻ: "Tôi chủ quan không đi khám vì nó không đau, không có triệu chứng gì. Chỉ đến khi lại vận động khó khăn, đau, tê tôi mới đi khám".
Theo ThS.BS Khổng Tiến Bình, một số yếu tố nguy cơ gây ra suy giãn tĩnh mạch chi dưới là do thói quen và lối sống. Đầu tiền là tư thế đứng lâu, ngồi nhiều, vận động ít, mang vác nặng nhọc. Nhóm đối tượng thứ 2 là phụ nữ có thai. Thói quen ăn mặc của chị em như mặc đồ bó vùng hông và đi giày cao gót.
Các chuyên gia khuyến cáo: Nếu thấy những dấu hiệu: Đau mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu, ngồi nhiều, nổi mạch máu nhỏ… cần đến cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.