THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:55

Nhu cầu lao động vừa thừa vừa thiếu

Cuối năm, nhu cầu LĐ phổ thông tăng cao

Lực lượng lao động (LĐ) từ 15 tuổi trở lên của cả nước 9 tháng đầu năm, theo công bố của Tổng Cục Thống kê ước tính là 54,32 triệu người, tăng 11,7 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014. Tuy nhiên trong 9 tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp chưa có nhiều cải thiện đáng kể.

Cụ thể tỷ lệ thất nghiệp của LĐ trong độ tuổi 9 tháng đầu năm ước tính là 2,36%. Riêng LĐ trong độ tuổi thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) ước tính là 6,74%. Tỷ lệ thiếu việc làm của LĐ trong độ tuổi 9 tháng ước tính là 1,93%. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng LĐ trong độ tuổi thanh niên hiện khá cao, trong khi nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp vẫn không ngừng tăng. Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường LĐ, quý IV/2015 các doanh nghiệp trên địa bàn TP cần tuyển dụng khoảng 100.000 LĐ, trong đó 70.000 LĐ làm việc ổn định và 30.000 LĐ thời vụ. Nhu cầu nhân lực tập trung nhiều ở các nhóm ngành nghề như: kinh doanh, bán hàng (25,27%); dịch vụ, phục vụ (17,35%); vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu (9,57%); công nghệ thông tin (7,28%)… 

Mặc dù vậy, khi xem xét ở chiều ngược lại, là các nhóm ngành nghề có nhu cầu tìm việc nhiều, có thể thấy cung - cầu trên thị trường LĐ vẫn luôn trong tình trạng thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa. Các nhóm ngành có nhu cầu tìm việc cao nhất là kế toán, kiểm toán (26,30%) thì nhu cầu tuyển lại ít, trong khi nhóm kinh doanh, bán hàng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất thì chỉ có 8,17% số người đăng ký tuyển dụng. Sự “vênh” nhau giữa cung -cầu trên thị trường còn được thể hiện ở yêu cầu về mặt trình độ nhân lực cả hai bên đều không đáp ứng được.

Người LĐ có trình độ lại không muốn làm công việc doanh nghiệp tuyển dụng, và ngược lại doanh nghiệp muốn tìm người có tay nghề tốt thì tìm hoài không có LĐ giỏi. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng LĐ trong quý III/2015 có trình độ đại học, trên đại học chỉ chiếm khoảng 16,5%, trong khi nhu cầu tìm việc có trình độ tương đương lại chiếm tới 65,13%. Vì thế, người thất nghiệp vẫn thất nghiệp, doanh nghiệp thiếu LĐ vẫn cứ phải loay hoay tuyển người.

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong ngành dự báo, nhu cầu tuyển dụng trong dài hạn sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển dần vào nguồn LĐ có trình độ, tay nghề cao. Tuy nhiên, những tháng cuối năm sẽ có sự tăng cao về nhu cầu LĐ phổ thông để phục vụ sản xuất và các hoạt động dịch vụ cuối năm, tập trung vào những ngành như kinh doanh, dịch vụ, phục vụ, công nghệ, dệt may, da giày, du lịch, bảo hiểm, bất động sản

Đến năm… 2069 năng suất LĐ mới bắt kịp Thái Lan 

Thực tế là nguồn nhân lực trình độ cao đang thiếu hụt, tạo nên sự cạnh tranh lớn trong thu hút đối tượng này của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong khoảng 53 triệu LĐ trong độ tuổi hiện nay của Việt Nam, chỉ có gần 12 triệu người thuộc diện đã qua đào tạo, có bằng cấp hoặc chứng chỉ…

“Trong tổng số LĐ làm công ăn lương gần 19 triệu người, thì lượng LĐ qua đào tạo thực sự còn rất khiêm tốn. Điều này cũng phản ánh khả năng chuyển dịch LĐ từ khu vực phi chính thức, hộ gia đình (chiếm tới 63% tổng nguồn LĐ) và khoảng 2,5% LĐ thất nghiệp sang khu vực chính thức là rất khó khăn. Trong khi, quá trình đó là một nền tảng quan trọng để cải thiện mức sống, tăng năng suất LĐ và đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, TS. Kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích.

Theo báo cáo “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất LĐ của Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa trình Chính phủ, thì năng suất LĐ của toàn nền kinh tế năm 2014, đạt 74,7 triệu đồng/LĐ, tăng 4,9% so với năm 2013. Mặc dù năng suất LĐ của Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất LĐ trung bình như trong giai đoạn 2007- 2012 thì phải đến năm 2038 VN mới bắt kịp Philippines, và đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất LĐ của Thái Lan.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hàng loạt yếu tố ảnh hưởng đến năng suất LĐ của Việt Nam. Tỉ trọng LĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn khá cao (năm 2014 chiếm 46,3%) và cao hơn so với các nước trong khu vực. Phần lớn LĐ làm việc trong khu vực này là LĐ giản đơn, có tính thời vụ, việc làm, không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra không cao, dẫn đến năng suất LĐ thấp. Khu vực này có tới trên 46% LĐ của cả nước nhưng chỉ tạo ra 18,1% GDP.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 9,6 triệu LĐ được đào tạo trong tổng số 52,7 triệu LĐ từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2014 (chiếm 18,2%). Một trong những yếu tố ảnh hưởng quyết định tới năng suất LĐ là thể chế kinh tế và hiệu quả quản trị nhà nước. Tuy Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. 

Nguyễn Thanh / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh