Dự báo nhu cầu 4G tăng 2,5 lần dịp Tết, nhà mạng cam kết không ‘sập mạng’
- Công nghệ mới
- 13:47 - 31/01/2019
Các nhà mạng đang tích cực chuẩn bị hệ thống để đón cao điểm Tết 2019. Ảnh: Viettel.
Chị H. Thu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ với Zing.vn chị vẫn sẽ giữ thói quen đi xem pháo hoa và nhắn tin chúc mừng năm mới tới người thân vào đúng thời khắc giao thừa.
Tuy nhiên những năm gần đây, thay vì sử dụng tin nhắn SMS, chị Thu đã chuyển sang nhắn tin bằng Zalo và các ứng dụng tương tự bởi không mất phí tin nhắn và có thể gửi kèm nhiều nhãn dán, hình động độc đáo.
Chị Thu không phải là người duy nhất chúc mừng năm mới người thân qua hạ tầng Internet di động. Theo số liệu từ Viettel, dự báo nhu cầu về data trong dịp Tết 2019 tại thị trường Việt Nam sẽ tăng 2,5 lần so với thời điểm Tết 2018.
“Việc gửi tin nhắn qua mạng để chúc mừng năm mới tôi thấy mỗi năm lại ‘mượt’ hơn, tuy nhiên tôi vẫn chưa thử gọi video call về cho bố mẹ vì lo mạng không đủ khoẻ”, chị Thu cho hay.
Việc nhu cầu của khách hàng tăng vọt vừa là tin vui, vừa là bài toán khó cho nhà mạng khi hệ thống sẽ phải tải một lượng data tăng đột biến.
Cả ba nhà mạng lớn đều khẳng định sẽ không để tình trạng nghẽn mạng, đặc biệt là kết nối 4G của khách hàng trong dịp cao điểm Tết sắp tới.
Cụ thể, ngay trước dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi, MobiFone đã tăng cường gần 500 trạm phát sóng 4G để nâng cao chất lượng dịch vụ cho riêng khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Nhà mạng này cũng đặc biệt quan tâm tới những điểm nóng như các khu vực trọng điểm, có tổ chức bắn pháo hoa vào thời điểm giao thừa và các khu vực lễ hội, khu du lịch như tuyến phố đi bộ tại thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, các khu du lịch tâm linh Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)…
Trong khi đó, Viettel cũng khẳng định đa số các giải pháp của nhà mạng này năm nay đều tập trung nâng cao chất lượng mạng 4G, đặc biệt đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng dịch vụ data của khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán như truy cập Internet, chia sẻ hình ảnh, video, livestream,… kể cả vào khung giờ cao điểm và các khu vực lễ hội, sự kiện tập trung đông người.
Nhà mạng này cũng dựa theo cơ sở dữ liệu phân tích hàng năm để tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ tại các tỉnh, thành phố được dự đoán sẽ có lượng khách hàng di chuyển đi nhiều nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Một số địa phương có khách hàng di chuyển đến nhiều nhất như Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang.
Lãnh đạo các nhà mạng cũng chia sẻ doanh nghiệp sẽ có lực lượng kỹ thuật trực xuyên Tết để đảm bảo khắc phục bất kỳ tình huống nào gây nghẽn mạng trong dịp cao điểm.
Cũng theo số liệu từ Viettel, dù nhu cầu về 4G sẽ tăng mạnh trong dịp Tết 2019, nhu cầu về thoại và SMS (2G) sẽ không tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, toàn ngành viễn thông có 125,6 triệu thuê bao di động, trong đó có khoảng 51 triệu thuê bao 3G và 4G, tổng doanh thu đạt 395,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2018.