Nhọc nhằn nghề trồng hoa tết sau đợt lũ lớn ở Huế
- Y học 360
- 11:16 - 22/11/2023
Đến thăm các làng trồng hoa truyền thống ở Huế trong những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh người nông dân lam lũ dọn dẹp vườn tược, cuốc xới đất để trồng lại những luống hoa đã bị mưa lũ làm hư hại trước đó. Ông Phạm Ngọc Ánh (52 tuổi, người trồng hoa tại khu quy hoạch hoa thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, TP Huế) cho biết, toàn bộ 2 sào hoa cúc mà gia đình ông trồng để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã bị hư hại do nước lũ ngập sâu, kéo dài trong hơn 2 ngày. Theo ông Ánh, hầu hết người trồng hoa tết ở xã Phú Mậu đều phải đặt cây giống ở Đà Lạt từ thời điểm tháng 8, sau đó nhập về để bắt đầu trồng từ tháng 10, nên thiệt hại là rất lớn. “Không chỉ hoa trồng phục vụ tết mà cả hoa trồng phục vụ nhu cầu ngày thường cũng bị nước lũ nhấn chìm, héo úa, hư hại toàn bộ. Giờ thì người dân phải cuốc xới, trồng lại từ đầu bằng giống ngắn ngày để có hoa kịp phục vụ thị trường tết”, ông Ánh buồn bã cho biết.
Còn theo ông Lê Ngọc Chất (60 tuổi), người có thâm niên trồng hoa hơn 25 năm tại thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, 1 sào hoa cúc cần khoảng 10.000 cây giống và được trồng trước tết khoảng 3 tháng. Trong thời gian trồng, người nông dân cần ít nhất 3 lần bón phân dặm cho cây, phun thuốc kháng bệnh và làm sạch cỏ thường xuyên. Chỉ tính riêng chi phí phân bón, cây giống, thuốc kháng bệnh cho hoa cũng đã lên đến hơn 10 triệu đồng/ sào, chưa kể công chăm sóc. “Nếu như giống đảm bảo, thời tiết thuận lợi thì số cây phát triển tốt, ra hoa đạt 80%, còn gặp giống bị sâu bệnh, giống không đảm bảo chất lượng thì hiệu suất phát triển chỉ đạt 40 - 50%”, ông Chất chia sẻ.
Ông Chất cho biết thêm, đợt mưa lũ lớn vừa qua không chỉ làm hư hại hoa vụ tết, hoa đang thu hoạch mà còn cuốn trôi rơm dự trữ, khiến người dân không còn rơm để phủ lên các luống hoa, gây khó khăn cho quá trình sản xuất. “Nói chung từ giờ đến Tết Nguyên đán sẽ không có hoa thành phẩm để bán, ảnh hưởng đến thu nhập cũng như cuộc sống của rất nhiều hộ dân sống phụ thuộc chính vào nghề trồng hoa. Còn hoa tết, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì vẫn có đủ, nhưng chúng tôi sẽ phải trồng lại bằng giống ngắn ngày hơn, tốn thêm chi phí giống, phân bón và công chăm sóc”, ông Nguyễn Thanh Sơn (65 tuổi), một người trồng hoa tại khu quy hoạch Thanh Vinh nói.
Là một vùng hoa các loại nổi tiếng lâu năm ở Huế, ngày nay người dân xã Phú Mậu không chỉ trồng hoa trên đất mà còn trồng trong chậu, nhà kính với giàn cao, qua đó tránh được thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn (50 tuổi), người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng hoa phục vụ thị trường quanh năm ở thôn Vọng Trì là một điển hình. Để chuẩn bị cho thị trường hoa Tết Nguyên Đán năm nay, gia đình ông Mẫn đã trồng gần 1.000 chậu Dạ Hiền Thảo trong nhà kính, treo trên giàn cao; hơn 600 chậu hoa Cúc Mâm xôi và cũng được kê cao. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, dù toàn khu vực xung quanh bị ngập lụt toàn bộ, nhưng vườn hoa của gia đình ông Mẫn không bị ảnh hưởng. Mặt khác, để giảm chi phí, tăng thu nhập, từ năm 2007 đến nay, ông Mẫn còn tìm tòi, tự ươm thành công các giống hoa, cung cấp cho vườn hoa gia đình và người dân trong địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Trai - Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, cho biết, Phú Mậu tuy đã nhập vào TP Huế nhưng hiện vẫn là một xã thuần nông. Người dân nơi đây chủ yếu làm ruộng, canh tác rau màu và chăn nuôi. Riêng nghề trồng hoa, toàn xã có 4/6 thôn, với hơn 1.000 hộ tham gia trồng, cung cấp hoa quanh năm cho thị trường Huế và các tỉnh lân cận, tạo nguồn thu nhập ổn định. Trước đợt mưa lũ lớn, kéo dài từ ngày 13 - 16/11/2023, toàn xã Phú Mậu có khoảng 45ha rau màu, hoa các loại, trong đó có hơn 15ha hoa. Do nằm ở vùng trũng thấp, sau lũ, gần như toàn bộ diện tích hoa màu này đã bị nước lũ nhấn chìm, ước tính thiệt hại trên 3 tỷ đồng. “Hiện nay chính quyền xã đang vận động bà con khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, cải tạo lại ruộng, vườn. Riêng diện tích hoa phục vụ tết, người dân đang trồng lại bằng những giống hoa ngắn ngày để kịp đem ra thị trường trong dịp tết đến xuân về”, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết thêm.
Được biết, đợt mưa lũ lớn được xem là lịch sử vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hứng chịu nhiều thiệt hại cả về người và của. Riêng diện tích hoa, theo thống kê của cơ quan nông nghiệp, toàn tỉnh có khoảng 26ha hoa trồng luống, 152.610 chậu hoa các loại bị ngập nước, tập trung ở các huyện: Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thuỷ, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, đặc biệt là tại TP Huế.
Theo ông Lê Văn Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, đợt mưa lũ vừa qua lớn hơn đợt lũ năm 2020, năm 2022, nhưng nhờ có sự chuẩn bị kỹ, người dân cũng đã có kinh nghiệm, kịp thời di chuyển, kê cao tài sản nên hạn chế được thiệt hại so với các năm. Để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND các huyện, thị xã và TP Huế chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy và vệ sinh đồng ruộng; diện tích còn lại tiến hành phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Đồng thời thống kê, phân loại, thiệt hại đối với từng vùng, từng đối tượng để có cơ sở khi nhà nước hỗ trợ.
“Tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ giống cây trồng phù hợp để phân bổ cho bà con gieo, trồng, kịp thời phục hồi các diện tích bị hư hại. Theo dự báo, sau ngày 20/10 Âm lịch, thời tiết sẽ tạnh ráo, bà con nên nghiên cứu các giống hoa ngắn ngày, lựa khu đất cao để trồng; mặt khác tiếp tục chăm sóc hoa chậu để có hoa kịp phục vụ thị trường tết”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị.