THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:52

Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển

Trên vùng biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa chẳng kể đến giờ giấc, cũng không màng đến mưa gió. Những người dân nơi đây mưu sinh theo con nước nơi cửa biển, cuộc sống của họ phập phồng với lênh đênh sóng biển.

Khác với những địa phương khác, thuyền của ngư dân Ngư Lộc thường về lúc giữa trưa. Độ khoảng 12h trưa, những hôm con nước chưa kịp vào bờ, thuyền phải nằm ở ngoài cách bờ cả hải lý. Những tấm thân trần, đen, chắc nịch của những người đàn ông sau đêm đánh bắt dần hiện ra. Họ lặn lội đẩy chiếc bè phao vận chuyển tôm, cá vào bờ.

Trên bờ đê những người vợ đội nón chờ chồng bằng ánh mắt biết cười khi nhìn thấy những khay cá tràn trề.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 1.

Giữa trưa khi con nước còn chưa kịp vào bờ, những người đàn ông thân trần da ngăm đen bắt đầu đẩy những chiếc bè phao chở tôm, cá tiến dần về bờ.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 2.

Những ngư dân nơi đây cho biết, có những hôm thuyền đậu cách bờ cả hải lý, sau một đêm thức trắng đánh bắt hải sản, họ lại tiếp tục gồng mình giữa cái nắng như đổ lửa đẩy những chiếc bè phao vào bờ. "Bám biển mấy chục năm, tuy vất vả nhưng làm nhiều rồi cũng thành quen. Đàn ông ra khơi, phụ nữ ở nhà nhặt nhạnh công việc trên bờ, riết rồi cũng quen", một ngư dân chia sẻ.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 3.

Những lúc được nhiều tôm, cá phải dùng đến sức của hai người đàn ông mới có thể đẩy chiếc bè phao vào bờ. Mất chừng gần nửa tiếng những ngư dân này mới đẩy được bè phao về đến bờ.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 4.

Những khuôn mặt toát lên sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng ngoài khơi.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 5.

Trên bờ, hàng chục người phụ nữ ngồi chờ đợi những chiếc tàu cập bến để làm những công việc như bốc vác, vận chuyển và phân loại cá, bóc tôm.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 6.

Bao năm qua, đàn ông ra khơi, đàn bà ở nhà lo xong việc nhà họ lại ra bờ biển kiếm việc làm thêm.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 7.

Những con người mưu sinh theo con nước nơi cửa biển, cuộc sống của họ phập phồng với lênh đênh sóng biển.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 8.

Công việc vất vả dưới cái nóng như đổ lửa.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 9.

Những chuyến hải sản đầu tiên về tới bờ, bến Ngư Lộc lại đông vui, tấp nập.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 10.

Mưu sinh giữa trưa trên bờ biển từ lâu đã trở nên quen thuộc với những con người nơi đây. Dù ít nhiều, nhịp sống nơi đây vẫn nhộn nhịp như vậy.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 11.

Trong số những người phụ nữ ở đây, có người làm cho nhà mình, có người đi làm thuê.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 12.

“Dọn xong công việc nhà, không kể ngày nắng hay mưa, chúng tôi lại kéo nhau ra đây khi thuyền cập bến, có người thuê là làm, ai thuê gì làm nấy. Mỗi lần vận chuyển một thúng cá, tôm, cần 2 người khiêng, chúng tôn được trả 10.000 đồng/thúng chia mỗi người 5.000 đồng", chị Đào Thị Tâm (45 tuổi, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) chia sẻ.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 13.

Bà Nguyễn Thị Quyết (62 tuổi) đều đặn mỗi ngày khi thuyền về bà cùng một số người thu gom những loại hải sản nhỏ rồi về phân loại bán cho nơi thu mua làm thức ăn cho gia súc. "Sống ở biển không làm công việc này thì cũng chẳng biết làm gì, khi nào còn sức khỏe thì mình vẫn tiếp tục làm", bà Quyết chia sẻ.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 14.

Niềm vui của những người phụ nữ là khi họ có công việc tạo ra được thu nhập.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 15.

Những người phụ nữ làm công việc bốc vác ở bờ biển, thu nhập với họ mỗi chuyến chẳng là bao tuy nhiên với những người phụ nữ này mọi công việc kiếm ra tiền dù ít nhiều vẫn đỡ đần được kinh tế cho gia đình.

Ảnh: Nhọc nhằn mưu sinh nơi cửa biển - Ảnh 16.

Phần đông những phụ nữ mưu sinh bên cửa biển xã Ngư Lộc đều có hoàn cảnh khó khăn. Người mất chồng trong lúc ra khơi, người nuôi chồng bệnh tật.

Gia Đoàn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh