THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:50

Nhớ Xuân

 

Xin chữ đầu năm - nét văn hóa của người Việt.

 

Phong tục đậm Tết cổ truyền như: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh… dường như biến mất. Thịt mỡ giờ người ta cũng kiêng ăn vì sợ béo phì, sợ gút và… sợ những cái liên quan đến sự vắn số của con người. Dưa hành - món ăn truyền thống, có giá trị cho tiêu hóa, giờ được mang đến tận cửa. Hết cảnh những bàn tay gái đảm chọn rau dưa để mà chuốt rửa, phơi nắng hanh của cái cữ độ cuối Đông, đầu Xuân để trổ tài muối, ghém cho chồng, con ăn nữa…

Bánh chưng ư, lá, lạt cũng đã thành… dĩ vãng. Giờ đã được đặt, được dịch vụ mang đến tận cửa. Chỉ cần bóc, cho lên đĩa, không được hưởng giá trị của thành quả lao động. Nhiều con trẻ giờ ăn bánh chưng đấy nhưng nếu hỏi, đố đứa nào biết bánh chưng làm từ cái gì, gồm những gì và làm như thế nào mà thành.

Phát triển và đánh đổi, cuộc sống không cho không và cũng không lấy không của người ta cái gì. Môi trường, lễ nghi, phong tục tập quán thay đổi, cái Tết cũng bị sự phát triển lấy đi rất nhiều thứ. Kể cũng nhanh thật, ngược về vài chục năm trước thôi, thời gian chưa đủ “giải mã” cho một số kiếp con người thì những cái Tết mang hơi hướng cổ truyền đã bị thời gian chóng vánh “giải mã”!

Các vùng miền, phong tục, lễ nghi của Tết giờ đã thay đổi nhiều quá! Ngay quê tôi thôi, cái xã vùng biên nằm ven Quốc lộ số 2, nơi có gần 7 sắc tộc sinh sống giờ cũng chẳng người dân nào giữ được cho nguyên lành phong tục ăn Tết riêng có của mình. Kinh, Dao, Tày, Nùng… cứ lẫn lộn và “dập” theo một cái Tết như thể có “barem” đã định hình. Các trò chơi tìm duyên vào cữ độ Xuân như “vỗ mông kén vợ” của người Mông, “leo cột tìm vợ” của người Tày… giờ chỉ còn “sống lại” khi có dịp được ai đó đứng ra tổ chức.

Người sinh sôi nảy nở, nhà cửa đua chen, văn hóa gây sức ép cho nhau, không còn không gian để bảo lưu nữa. Cái xã tin hin, mới cảnh đèn dầu phập phù của hơn 10 năm về trước giờ đã đủ dân, đủ nhà cao tầng để lên hàng… thị trấn. Đông vui tụ hội, người có tiền ở các nơi kề cận đổ về mua đất làm nhà.

 

Gói bánh chưng Tết đã... xa vời nơi phố thị. Ảnh: ST

 

Mỗi người về đem theo một phong cách, “quan điểm” sống khác nhau, thế là tính cộng đồng của người gốc gác bị “phá” đi. Đường làng ngõ xóm cứ ngày bị thu hẹp. Cuộc sống phức tạp, tường rào cao và chắc hơn, lại cửa đóng then cài nữa. Khó mà làm quen, khó mà chào hỏi. Người già thui thủi với 4 bức tường. Tết truyền thống như vậy mà cũng… thui thủi hơn!

Vùng rừng Quốc gia Xuân Sơn xa ngái tận huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi có bộ phận người Dao đeo tiền sinh sống, Tết hình như cũng chỉ là cái cớ để người ta nhắc đến mỗi độ xuân về. Thời trước, vòng vèo tít tắp, xe máy có nổ “đỏ pô” mới vượt dốc vượt đèo vào được tận vùng lõi này. Bốn bản: Dù, Cỏi, Lạn, Lấp với phong tục tập quán đậm đượm của người Dao cần bảo tồn nay có vẻ “hòa nhập” lắm rồi.

Mấy năm trước, vào Xuân Sơn, gặp ông Chủ tịch người Dao Bàn Xuân Lâm, được ông cho biết, cứ độ Xuân này thì khách cứ phải… há hốc mồm để mà nghe ông ấy kể về tập tục và hát những bài tìm vợ, tìm chồng, thú nhất là tục “ngủ ngửi” của người Dao đeo tiền ở đây. Không những kể, không những nghe mà nếu cần còn được ông ấy “điều” cho mấy thanh niên đưa đi mục sở thị.

Ấy thế mà nhoằng cái, những tập tục lạ kỳ của người Dao đeo tiền ở đây đã nhanh chóng biến mất. Quần áo sắc phục cũng chả còn, rượu bia do nhà máy sản xuất dần thay thế thứ rượu đoác truyền thống, uống cả ngày không say của người Dao đeo tiền.

Hỏi về một số tập tục người quên, người nhớ. Muốn tận mắt tìm cũng chả có nữa. Riêng tập tục “ngủ ngửi” rất thiêng liêng của trai gái Dao đeo tiền mỗi dịp Xuân nay đem ra hỏi thì bị người ta cho là… “hỏi đểu”. Vì sao ư, vì nó bị mai một và lạm dụng nhiều lắm rồi. Chính vì vậy sự thiêng liêng của nó đã mất đi và đã được nam thanh nữ tú biến thành “chuyện… thường ngày ở huyện”.

“Sáng mồng một sớm tinh sương. Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường. Mở hàng mỗi đứa hai xu rưỡi. Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương” là câu chuyện mà tôi phải “giải trình” cùng đứa cháu vào độ Tết vừa rồi, khi nó vô tình nhặt được cuốn thơ của thi sĩ đa tình Nguyễn Bính trên gác sách. Sao lại cấm ra đường, xu, hào là thế nào. Lại còn rau mùi nữa, người ta chỉ dùng… để ăn sao lại rửa được mặt à???

Thế mới có câu chuyện anh bạn tôi Tết về mừng tuổi ở quê vợ. Biết nhà quê vào độ Tết đông trẻ nên anh đã chuẩn bị những 5 loại lì xì với ý định cháu mình sẽ lì xì tiền to, cháu họ xa một chút thì  lì xì mệnh giá nhỏ. Không ngờ chúng đã… xé ngay lì xì trước mặt bá quan hàng xóm để… kiểm ngân. Đứa ít, đứa nhiều, ghen tị inh ỏi. Anh bạn tôi vì vậy cũng bị một phen muối mặt với cái Tết ở quê vợ.

Hà Nội, ngày ông Tô Hoài còn phơi phới xuân, cặm cụi bên ô cửa sổ vùng Nghĩa Đô “thai nghén” tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” thì sông Tô Lịch còn rộng lắm. Thấy bảo ngày ấy, ngồi nhà viết văn mà ông Tô Hoài còn đón được cả những cơn gió hanh hao cữ độ cuối Đông, đầu Xuân từ sông Tô thốc lên, mang theo mùi ngai ngái của con nước, cá tôm và bùn phèn...

Sông Tô thời ấy rộng lắm, để đi lại có cả chục bến đò ngang được hình thành. Ngày thường các bến đò đã tấp nập, ngày Tết còn tấp nập hơn. Mé chếch phía đông khu Nghĩa Đô nổi tiếng với chợ được coi là cổ nhất, tấp nập nhất, theo kiểu nhất cận thủy, nhị cận giang, ấy là chợ Bưởi.

Chợ Bưởi được hình thành ở nơi ngã ba do sự hợp lưu của sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Giờ tôi cũng chẳng biết cái sông Thiên Phù ấy nó ở đâu? “Chợ Bưởi tháng họp sáu phiên. Ngày tư tháng chín cho duyên đèo bòng”, đã có rất nhiều mối tình, lương duyên được nhen nhúm ở các phiên chợ, nhất là chợ Tết. Không chỉ ngày tư tháng chín mà chợ Bưởi còn nổi tiếng vào những độ giáp Tết.

Tết, những bến đò đông nghịt người! Tre, giang, lá, măng… đặc sản vùng Tây và Đông Bắc đã tụ hợp, cắt đường từ sông Cái về. Người chen người, chân chen chân; trẻ theo mẹ, theo già đi chợ Tết. Gói bánh, nấu bánh bên sông Tô Lịch của các gia đình vào chiều ba mươi là một hình ảnh rất đỗi làng quê Việt, với người Kinh kỳ Thăng Long.

Ấy thế mà mọi thứ Tết một thời, nhoáng cái chỉ còn trong hoài niệm!

LÂM SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh