THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:21

Nhớ mãi một mảnh trăng mồ côi…

Đang mải vui chuyện với mấy người đồng nghiệp, bất chợt có một ông già khoảng ngoài 70 trông rất phong độ, mặc áo đen, đeo kính đen, ghé vào bàn, tự nhiên như… người Hà Nội.

Một đồng nghiệp lớn tuổi, tự cho thuộc “giới văn chương”, trịnh trọng giới thiệu, đây là nhà thơ Phan Vũ, tác giả “Em ơi Hà Nội phố”. “Ông già” ấy tỏ vẻ không hài lòng: “Mày cứ giới thiệu tao là anh Vũ, việc quái gì phải gắn thêm “cái đuôi” như vậy!”. Chúng tôi mừng húm, xúm lại trò chuyện với… “chú”. Thêm một lần nữa, ông lại “mắng”: “Gọi tao là anh, tao có họ hàng gì với chúng mày mà gọi chú!?”.

 - Ảnh 1

Nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ đã qua đời ngày 17/7 tại TP.HCM


Hồi ấy, quán 81 vào buổi trưa tụ tập rất nhiều “anh hùng hào kiệt” của làng văn nghệ Sài Gòn: Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, Phan Nhân, Diệp Minh Tuyền, Thảo Phương… tất nhiên còn có Phan Vũ; và cũng không ít người mon men vào giới văn chương – báo chí, như chúng tôi. Trong khi cánh “cóc ké” như chúng tôi vừa uống bia, vừa bàn luận sôi nổi chuyện “văn chương phú lục”, lắm khi “đỏ mặt tía tai” để bảo vệ một luận điểm thuộc lĩnh vực học thuật, thì những “cây đa cây đề” lại tỏ ra rất từ tốn, chỉ mượn men bia để giãi bày chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái.

Vì thế, ý đồ nhân dịp gặp gỡ để “phỏng vấn” Phan Vũ về chuyện thơ tại địa điểm này là… bất khả thi. Bởi trước hết là do ông không thích! Cũng vì thế mà lúc bấy giờ, tôi không hề biết ngoài tài làm thơ, ông còn là một họa sĩ, tác giả của những nét vẽ đầy huyền hoặc.

 - Ảnh 2

Không chỉ là một nhà thơ với những tác phẩm giàu sức biểu cảm, Phan Vũ còn là một họa sĩ tài năng


Lần gặp đầu tiên ấy, mặc dù không cho tôi được nhiều cảm nhận về con người Phan Vũ, nhưng đã để lại những ấn tượng về một dáng dấp thi nhân của Hà thành, một tâm hồn đậm đặc “chất Hà Nội”, chơi vơi như một “mảnh trăng mồ côi”... Những điều mà sau này được nhà thơ Phạm Xuân Nguyên khái quát hóa: Đọc thơ hình dung tác giả là một lãng tử, một khách hào hoa si tình, một nghệ sĩ đắm đuối…

Còn nhạc sĩ Phú Quang - tác giả đã phổ nhạc cho “Em ơi! Hà Nội phố”, để đưa bài thơ này trở nên phổ biến trong công chúng, thì nói về “cơ duyên” đã đưa thơ của Phan Vũ đến với nhạc của mình: “Dù chỉ là lần đọc đầu tiên nhưng tôi cảm giác như đã đọc bài thơ đó từ rất lâu rồi, bởi vì bài thơ như chính những điều tôi nghĩ đến…Linh cảm mách bảo cho tôi rằng đó sẽ là một bài ca hay mà tôi sẽ viết. Tôi tin vào linh cảm ấy dù bài thơ vài trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài câu…”.

Phan Vũ đã ra đi vào sáng 17/7 ở tuổi 93, tại nơi cách xa Hà thành ngàn dặm. Nhưng “mảnh trăng mồ côi” trong thơ của ông vẫn mãi chơi vơi giữa trời, như tấm tình của người nghệ sĩ vẫn còn sống mãi với thời gian…

VH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh