THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:28

Nhiều ý kiến băn khoăn về điều kiện đăng ký tạm trú

Qua thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đa số ý kiến đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý. Vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước. Khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó.

Nhiều ý kiến băn khoăn về điều kiện đăng ký tạm trú  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Do đó, để phục vụ công tác quản lý cư trú của Nhà nước, công dân phải thực hiện việc đăng ký tạm trú và không có cơ sở nào để người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được từ chối, cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và trật tự quản lý nhà nước về cư trú. Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà mà không đăng ký, khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, một số ý kiến tán thành quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là người đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bởi đây là quy định của Luật hiện hành. Ý kiến này cho rằng, việc sử dụng chỗ ở hợp pháp là quan hệ dân sự giữa người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ với người đi thuê, mượn, ở nhờ, theo đó, khi người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký tạm trú vào chỗ ở này thì phải có sự thỏa thuận, đồng ý của người cho thuê, mượn, ở nhờ chứ không phải đương nhiên được đăng ký tạm trú. Dự thảo Luật đang được thể hiện theo loại ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội tại Điều 27.

Về thủ tục đăng ký tạm trú, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục quy định về thời hạn tạm trú, thủ tục gia hạn tạm trú như đang quy định trong Luật hiện hành.

Về vấn đề này, hiện cũng đang có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như Luật hiện hành tối đa là 2 năm để phân biệt với việc đăng ký thường trú. Người đăng ký tạm trú thường là những người chưa có ý định cư trú lâu dài, ổn định hoặc đăng ký cư trú vào những chỗ ở không có tính ổn định, lâu dài (như nhà ởdo thuê, mượn, ở nhờ).

Do đó, việc yêu cầu những người này định kỳ đăng ký lại việc tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn, đồng thời đây cũng là giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở đã đăng ký tạm trú khi đã có đủ điều kiện (hạn chế các trường hợp đăng ký thường trú một nơi nhưng lại thường xuyên cư trú dưới hình thức tạm trú tại một nơi ở khác). Đồng thời, cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về hồ sơ và thủ tục gia hạn tạm trú.Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đồng ý với loại ý kiến này.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định như trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú. Việc quản lý cư trú vẫn được bảo đảm thực hiện thông qua thông tin được khai báo, đăng ký trên Cơ sở dữ liệu về cư trú và qua các biện pháp nghiệp vụ, nắm địa bàn của cơ quan Công an ở địa phương.

Dự thảo Luật đang được thể hiện thành 2 phương án tương ứng với 2 loại ý kiến về nội dung này tại Điều 27 và Điều 28 dự thảo Luật Cư trú để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh