'Giật mình' với kết quả kiểm định của 117 trường đại học
- Tây Y
- 19:28 - 24/08/2018
49% trường ĐH được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa: Internet
Duy nhất 1 trường đạt 56/61 tiêu chí
GS Bành Tiến Long cho biết, phần lớn các trường được kiểm định là những trường được coi là xếp hạng khá trở lên trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả kiểm định cho thấy, trong tổng số 61 tiêu chí, chỉ có 9 tiêu chí 100% các cơ sở đều đạt, còn 52 tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có ít nhất 1 cơ sở chưa đạt.
Đáng lưu ý, dựa trên 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí đánh giá, chỉ duy nhất có 1 trường ĐH có số lượng tiêu chí đạt cao nhất là 56/61. Còn 25 cơ sở (chiếm 21,36%) có 49/61 tiêu chí đạt. Theo quy định, 49 tiêu chí đạt là con số tối thiểu để được công nhận đạt tiêu chuẩn CLGD.
"Điều này càng dễ hiểu vì sao Việt Nam chưa có trường nào được lọt vào tốp 500 trường hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng uy tín", GS Bành Tiến Long chia sẻ.
Kết quả kiểm định cũng chỉ ra, vẫn có tới 98 trường chưa đạt 9 tiêu chí trở lên, chiếm 83,76% tổng số trường. Theo GS Bành Tiến Long, đây là những con số đáng lo ngại, phản ánh đúng những nội dung yếu kém của giáo dục ĐH Việt Nam.
Về quản trị ĐH và tổ chức quản lý trường ĐH, thực tế có tới 36% trường ĐH được đánh giá chưa có cơ cấu tổ chức đáp ứng các quy định của Điều lệ trường ĐH và các quy định khác của pháp luật như chưa thành lập hội đồng trường, hội đồng khoa...
Là các trường ĐH được xếp hạng khá trong hệ thống, tuy nhiên có tới 15,4% trường ĐH được đánh giá chưa thiết kế theo quy định đối với các chương trình đào tạo thường xuyên, chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. Có tới 65% các trường chưa thực hiện việc định kỳ đánh giá chương trình đào tạo và thực hiện cải tiến chương trình.
Không chỉ vậy, việc rà soát, điều chỉnh các chương trình đào tạo cũng chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Có tới 43% cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, thiết kế đáp ứng chuẩn kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động.
43% trường có giảng viên chưa đạt trình độ chuẩn
Về hoạt động đào tạo, con số kiểm định được công bố cũng khiến dư luận không khỏi… “giật mình”. Các trường chưa chú trọng tới phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học. Có đến 44% các trường ĐH chưa đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí này.
Ngoài ra, việc ý kiến của người học, nhà sử dụng lao động và các bên liên quan để làm căn cứ điều chỉnh chương trình đào tạo cũng chưa được chú trọng, có 33% các trường ĐH vẫn chưa thực hiện việc làm này.
Đáng quan tâm, có tới 55% trường ĐH được đánh giá chưa đáp ứng đủ số lương giảng viên; tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên còn quá cao. Thậm chí, có chương trình khoảng 60 sinh viên/giảng viên.
Đặc biệt, có tới 43% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định. Một số giảng viên chưa giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo, trình độ ngoại ngữ, tin học còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, số lượng đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn cũng khá cao lên tới 35%.
Có tới 66% cơ sở ĐH được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí thư viện. Số trường được đánh giá chưa đủ diện tích sử dụng đất; diện tích mặt bằng tổng thể chưa đạt mức tối thiểu theo quy định lên tới 55%.
Về nghiên cứu khoa học, theo GS Bành Tiến Long, điểm tồn tại lớn nhất của các trường ĐH là nhiều đề tài, dự án chưa được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch, có 49% trường ĐH được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí này. Hơn nữa, tính ứng dụng và chuyển giao của các đề tài nghiên cứu còn yếu. Các trường cũng chưa đầu tư cho nghiên cứu khoa học, có tới 78% cơ sở chưa đáp ứng tiêu chí yêu cầu về chuyển giao khoa học công nghệ.
Kết quả kiểm định trên đã phản ánh phần nào bức tranh giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay. Tại Hội thảo Giáo dục 2018 "Giáo dục ĐH - Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế" vừa được tổ chức tại Hà Nội, một lần nữa lãnh đạo nhiều trường ĐH đã thẳng thắn thừa nhận giáo dục ĐH còn quá nhiều bất cập: Trường cao đẳng lấy ngành trên 23 điểm với mục đích đánh trượt thí sinh, rồi có trường chỉ tuyển được 1 sinh viên nhưng vẫn phải mở lớp; cơ chế chính sách không chạy kịp xu thế thời đại; sức ì quá lớn, nhiều hiệu trưởng không dám làm vì sợ trách nhiệm…
Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, để trường ĐH của Việt Nam lọt tốp 500 thế giới? Đó là mong muốn cũng là bài toán khó đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.