CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:54

Nhiều thành tựu trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định; các ngành chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả.

Kinh tế tăng trưởng cao nhất 10 năm qua

Những tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống...

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN.

Xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh; trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%. Xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%, thể hiện rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm), hiện đang dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm; vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo tình hình kinh tế- xã hội trước Quốc hội

 

Thu NSNN 4 tháng tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán; đáp ứng kịp thời các khoản chi theo kế hoạch và các nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là trong dịp lễ, Tết.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... Trong 4 tháng có trên 41 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 11 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng.

Triển khai tốt chính sách ưu đãi người có công, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm…

Trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; trao gần 1,9 triệu suất quà Tết của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hàng triệu suất quà của các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho người có công, gia đình và đối tượng chính sách. Việc hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng bị thiên tai được triển khai thiết thực, hiệu quả. Cấp phát gần 17 nghìn tấn gạo từ dự trữ quốc gia trong dịp Tết, giáp hạt. Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các địa phương chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong 4 tháng, có khoảng 812 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 179 nghìn tỷ đồng. Hỗ trợ nhà ở cho trên 121 nghìn hộ người có công, xây dựng 72 nghìn căn hộ cho người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp.

Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực; trong 4 tháng giải quyết việc làm cho khoảng 500 nghìn lao động, trong đó đưa khoảng 40 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 543 nghìn người. Cơ cấu lao động tiếp tục dịch chuyển tích cực; tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp giảm từ 40,3% vào cuối năm 2017 xuống còn 38,6%. Trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) thông qua các đề án về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Chú trọng cải thiện quan hệ lao động, kịp thời xử lý tranh chấp lao động, nhất là các vụ việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, chậm trả lương; giải quyết kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 26%. Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, gắn với bảo hiểm y tế toàn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 87%.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xử lý nghiêm mình các vụ án tham nhũng



Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, tài chính, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường; đến nay đã có 26 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối liên thông văn bản điều hành.

Công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm đã được chỉ đạo quyết liệt, ban hành kết luận, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng…); việc xử lý sau thanh tra được tăng cường. Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng; nghiêm túc triển khai các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của Lãnh đạo chủ chốt. Tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, tập đoàn Dầu khí…).

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế diễn ra sôi động và đạt kết quả tích cực.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được , báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát. Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN 4 tháng mới đạt 16,4% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương khó khăn; kỷ luật tài chính - NSNN có nơi chưa nghiêm. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ và đội vốn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nơi còn bất cập. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí...

Đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Việc cân đối, bố trí nguồn lực cho vùng dân tộc, miền núi chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ cao đẳng, đại học còn cao. Việc mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội còn khó khăn. Còn những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gây bức xúc xã hội, đặc biệt là hành xử bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh... Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn bất cập Xảy ra một số vụ gây ô nhiễm môi trường, phá rừng nghiêm trọng. Tình hình trật tự an toàn xã hội, cháy nổ diễn biến phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh