THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:06

Nhiều thách thức về giao thông đô thị

 

Quỹ đất  dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp 
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện cả nước có 60/62 tỉnh thành có mạng lưới hệ thống xe buýt. Trong đó, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, loại hình vận tải công cộng này được chú trọng đầu tư như đường sắt đô thị, xe buýt phát triển cả số lượng và chất lượng. Đơn cử, xe buýt thủ đô Hà Nội hiện có 112 tuyến, năm 2017 vận chuyển hơn 400 triệu khách. Đây là các con số ấn tượng trong vận tải công cộng.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Thọ cũng thừa nhận hiện nay hệ thống giao thông Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch đô thị và giao thông đô thị, chính điều này ảnh hưởng đến phát triển giao thông công cộng mang tính bền vững. Quỹ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo yêu cầu đối với sự phát triển giao thông công cộng. Tiếp đó là sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân. Năm 2017 cả nước có 3,7 triệu xe ô tô và 55 triệu xe máy. Trong đó TP.Hồ Chí Minh năm 2017 có 8 triệu phương tiện; TP Hà Nội trên 6 triệu phương tiện…
Bên cạnh đó, vỉa hè còn bị chiếm dụng, thiếu quy hoạch bến xe, điểm dừng, đỗ. Công tác tổ chức giao thông thiếu sự ổn định và lâu dài. Ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành còn nhiều bất cập. “Hiện nay chúng tôi đang bước đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tổ chức, điều tiết, quản lý giao thông. Trong đó TP.Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các thành hố lớn đang tập trung xây dựng các trung tâm điều hành giao thông phù hợp với sự phát triển… nhưng vẫn còn nhiều khó khăn” - ông Thọ cho biết.
Thừa nhận Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức về giao thông đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chỉ ra nguyên nhân là do kinh tế tăng trưởng nên thu nhập người dân cải thiện, nhu cầu mua xe cá nhân tăng (thủ đô hiện có 5,48 triệu xe máy, tăng hàng năm là 6,7% và 12% về ôtô), trong khi tốc độ phát triển giao thông chỉ tăng 3,9% gây nên mất cân đối cùng với ý thức tham gia giao thông chưa cao dẫn đến ùn tắc giao thông phức tạp. Bên cạnh đó, sau khi mở rộng Hà Nội, nhờ vào tính hấp dẫn đô thị, số người nhập cư ngày càng gia tăng, dân số hiện nay khoảng 7,5 triệu người đi kèm với gia tăng nhu cầu đi lại gây áp lực lên hạ tầng giao thông.
Chưa kể, quỹ đất và không gian đô thị ngày càng hạn chế trong khi các chi phí xây dựng ngày càng cao do “đội” chi phí giải phóng mặt bằng; thách thức đảm bảo an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường,” Ông Nguyễn Doãn Toản cho biết
Về giải pháp, ông Toản cho biết, Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết bài toán giao thông đô thị khi mạng lưới vận tải gồm 112 tuyến tăng 64% so với 2008, bao phủ khắp 30 quận huyện; các điểm ùn tắc giao thông giảm, kết cấu hạ tầng quan tâm đầu tư nâng cấp xây dựng nhiều dự án triển khai hoàn thiện như cải tạo trục hướng tâm, xây mới trục chính đô thị, nút giao thông, xây đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-Ga Hà Nội…
Hà Nội cũng đang thực hiện đồng bộ 6 gói giải pháp gồm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch của Chính phủ; tổ chức giao thông hợp lý; phát triển đồng bộ hệ thông giao thông công cộng, trong đó phát triển xe buýt và 2 dự án đường sắt đô thị là rất quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố thông minh để người dân tiếp cận; tăng cường tuyên truyền và tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Quá trình đô thị hóa đang tạo sức ép lên hệ thống giao thông

Ứng dụng khoa học công nghệ để giải bài toán thiếu quỹ đất, ùn tắc giao thông
Tại buổi tọa đàm, ông Pereric Horberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá, quá trình đô thị hóa nhanh chóng là điều đã và đang diễn ra tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á. Chính tốc độ đô thị hóa là một trong những tác nhân tác động mạnh mẽ tới giao thông ở Việt Nam. Đại sứ Thụy điển đưa ra con số thống kê, tính đến năm 2014 Việt Nam có khoảng 90 triệu dân và 33% trong số đó sinh sống tại các đô thị. Dự báo đến năm 2025, số dân tập trung ở đô thị của Việt Nam sẽ tăng lên đến 50% tổng dân số. 
Theo các chuyên gia công nghệ Thụy Điển, với các công nghệ đang có sẽ góp phần giúp giao thông Việt Nam tốt hơn trong tương lai. Đó là mục tiêu biến giao thông công cộng  thành lựa chọn ưu tiên bên cạnh kiểm soát tăng trưởng xe cá nhân và nâng cao chất lượng giao thông đô thị.
Để giải bài toán thiếu quỹ đất, ùn tắc giao thông… Việt Nam cần ứng dụng khoa học công nghệ.Theo đó, phải thiết lập hệ thống giao thông thông minh, đặc biệt trong việc thiết kế hệ thống đỗ, nơi đỗ... bên cạnh đó phát những cảnh báo sớm về nơi xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông, điểm ngập nước… nhằm giúp tài xế tránh khu vực trên.
Đặc biệt, điều chỉnh tín hiệu giao thông linh hoạt. “Ví dụ, khi một làn đường bị tắc, tất cả xe đang dừng sẽ báo đến hệ thống và các xe này sẽ tập hợp thông tin, theo đó tín hiệu đèn xanh sẽ được duy trì để làn đường này được khơi thông, còn các làn đường có lượng xe ít hơn phải chờ…” - đại diện một công ty Thụy Điển nêu ra một giải pháp.
Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, bối cảnh hiện nay của Việt Nam là quốc gia đang phát triển kinh tế rất nhanh nên trong tương lai, Việt Nam sẽ không nằm trong danh sách các quốc gia được vay vốn của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, ADB cam kết vẫn cung cấp cho Việt Nam một số khoản vay nhỏ với mục đích hỗ trợ, tăng cường phát triền bền vững cơ sở hạ tầng giao thông như phát triển mạng lưới hệ thống metro (tàu điện ngầm, đường sắt đô thị). ADB cũng đưa ra nhiều sáng kiến để phát triển giao thông bền vững như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như phát triển giao thông công cộng và hỗ trợ ngành giao thông có lượng cacbon thấp, quản lý chất thải trong giao thông.

HÀ CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh