THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:06

Nhiều quy định có hiệu lực từ tháng 5/2016

 

Có hiệu lực từ ngày 1-5, Nghị định 14/2016 của Chính phủ quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội Nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

Trường hợp miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

Theo Nghị định 14/2016, công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến được quy định gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, trưởng ban và các chức vụ tương đương thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam; chủ tịch LĐLĐ cấp tỉnh; các bộ trưởng, thứ trưởng và các chức vụ tương đương thuộc bộ, ngành; tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng và các chức vụ tương đương thuộc bộ, ngành…

Ngoài ra, được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến còn có công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước tại địa bàn các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được xác định đặc biệt khó khăn trong các ngành giáo dục, y tế, bưu chính, viễn thông, nông, lâm nghiệp, hóa chất; học sinh đoạt giải ba trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; học sinh, sinh viên đạt huy chương hoặc danh hiệu trong các kỳ thi quốc tế, hội thi tay nghề thế giới, ASEAN và một con của liệt sĩ; một con của thương binh hạng 1, người nhiễm chất độc da cam phải có người nuôi dưỡng…

Công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ nếu có đơn tình nguyện phục vụ trong Quân đội Nhân dân và được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng thì có thể được gọi nhập ngũ.

Quy định mới về chi tiền lương cho cán bộ, công chức

Theo Quyết định 15/2016 của Thủ tướng Chính phủ về mức chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT giai đoạn 2016-2018, mức chi tiền lương sẽ bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do nhà nước quy định.

Những người được hưởng lương theo quyết định này gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an (chỉ áp dụng với tổ chức BHXH là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán); người lao động thực hiện chính sách BHTN trong các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, tổ chức BHTN trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25-5.

Đi máy bay không được mang quá 1 lít chất lỏng

Thông tư số 01/2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-5. Theo đó, mỗi hành khách, thành viên tổ bay không được mang quá 1 lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay khi qua điểm kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly quốc tế.

Quy định không áp dụng đối với chất lỏng là thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn cho trẻ em nếu đáp ứng các điều kiện: Thuốc chữa bệnh có kèm đơn (ghi họ tên, địa chỉ người kê đơn thuốc, họ tên người sử dụng thuốc phù hợp với tên trên vé máy bay); sữa, thức ăn cho trẻ em, trẻ sơ sinh đi cùng.

Chất lỏng mua tại cửa hàng trong khu cách ly quốc tế, trên chuyến bay quốc tế cũng được phép mang theo người và hành lý xách tay không giới hạn dung tích với điều kiện phải đựng trong túi nhựa an ninh được dán kín.

Miễn thuế TNCN đối với chuyên gia nước ngoài

Theo Quyết định 06/2016, có hiệu lực từ 1-5, chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Điều kiện để được miễn thuế TNCN: Có quốc tịch nước ngoài; có hợp đồng ký giữa chuyên gia nước ngoài với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan chủ quản dự án hoặc với chủ khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài của Việt Nam trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Bổ sung trường hợp tạm giữ hành chính

Có hiệu lực từ ngày 2-5, Nghị định 17/2016 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2013) quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Cụ thể, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp: khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị cấm.

Theo NLĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh