THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:08

Nhiều nước lên án Trung Quốc 'phá hoại sự ổn định của khu vực'

Tình hình biển Đông đang nóng trở lại theo sau một loạt động thái khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc thời gian qua, dẫn đến phản ứng mạnh của Mỹ và một số đồng minh cũng như chỉ trích của giới chuyên gia quốc tế.

Trong động thái mới nhất, tàu khu trục HMAS Parramatta của Úc vừa tập trận chung với tàu hải quân Mỹ tại biển Đông gần đây. Theo đài ABC News, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc hôm 22/4 xác nhận, tàu khu trục HMAS Parramatta đã tham gia sứ mệnh kéo dài hơn 2 tháng qua ở Đông Nam Á và Nam Á nhằm giúp củng cố an ninh và ổn định tại khu vực. Cũng theo người này, HMAS Parramatta đã tập trận với các tàu chiến Mỹ khi đi qua biển Đông trong vài ngày qua. Theo một số chuyên gia quốc phòng, sự phô trương lực lượng này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại về sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.

Cùng ngày, Hải quân Mỹ xác nhận 3 tàu chiến của họ (tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu khu trục USS Barry) đang hoạt động ở biển Đông nhằm ủng hộ "an ninh và sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Theo Reuters, các tàu chiến Mỹ trong tuần này đã đến vùng biển gần nơi tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc bị nghi đang thăm dò dầu khí. Đáng chú ý, một số nguồn tin an ninh khu vực cho biết tàu Hải Dương địa chất 08 hoạt động gần nơi một tàu của Công ty Dầu khí Petronas của Malaysia đang tiến hành khoan thăm dò.

Trung Quốc 'phá hoại sự ổn định của khu vực' nhiều nước lên án - Ảnh 1.

Tàu HMAS Parramatta của Úc (trái) và 3 tàu chiến Mỹ tập trận tại biển Đông gần đây. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo dữ liệu của trang Marine Traffic hôm 22/4, tàu Hải Dương địa chất 08 đang cách bờ biển Malaysia khoảng 325km, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Được một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, tàu này đã di chuyển theo mô hình phù hợp với hoạt động khảo sát địa chất trong gần 1 tuần qua. Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc dừng "các hành vi bắt nạt" trên biển Đông sau khi xuất hiện thông tin tàu Hải Dương địa chất 08 trở lại biển Đông.

Theo báo The New York Times, bất chấp việc phải vật lộn với cuộc chiến chống dịch Covid-19 từ đầu năm, Trung Quốc vẫn không hề giảm các hoạt động gây hấn sai trái ở biển Đông mà thậm chí còn đẩy mạnh chúng.

"Đó là một chiến lược có tính toán của Trung Quốc nhằm tìm cách lợi dụng tối đa điều mà họ xem là một khoảnh khắc mất tập trung và sự sụt giảm khả năng của Mỹ để gây sức ép đối với các nước láng giềng", ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định. Trong khi đó, ông Alexander Vuving, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) cho rằng, Bắc Kinh muốn tạo ra "một điều bình thường mới" ở biển Đông và để làm điều này họ ngày càng trở nên "hung hăng" hơn.

Viết trên trang The Times of India (Ấn Độ) hôm 21/4, cây bút Rudroneel Ghosh nhận định một loạt động thái của Trung Quốc ở biển Đông gần đây như: Cho tàu hải cảnh đâm vào tàu cá nước khác, xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng… không có lợi cho sự hợp tác quốc tế cần thiết để chống đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne hôm 23/4 lên án những hành động gần đây của Bắc Kinh ở biển Đông, trong đó có vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam.

Theo bà Payne, Úc lo ngại về một động thái mới nhất của Trung Quốc ở biển Đông, như: Nỗ lực cản trở hoạt động phát triển tài nguyên của nước khác, đơn phương thành lập các quận hành chính và cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Bà Payne nhấn mạnh, Úc có lợi ích mạnh mẽ đối với sự ổn định của biển Đông và thúc giục mọi bên tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, trong lúc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không.

Ông Michael Shoebridge, chuyên gia tại Viện chính sách chiến lược Úc nhận định, việc Trung Quốc xem dịch Covid-19 là cơ hội để gia tăng hành động nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông cho thấy tính hung hăng và bành trướng của nước này.

Ngoài ra, theo ông Ghosh, việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại "thành phố Tam Sa" không chỉ phá hoại sự ổn định của khu vực mà còn khiến người ta càng thêm nghi ngờ về động cơ của Bắc Kinh ở biển Đông.

Phía Việt Nam đã không ngừng khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời luôn phản đối các hành vi phạm pháp mà Trung Quốc thực hiện ở biển Đông.

"Lập trường nhất quán của Việt Nam là mạnh mẽ phản đối cái gọi là TP Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu hôm 19/4.

PV (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh