CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:12

Mở ra những hy vọng mới cho công nghệ ghép tế bào gốc

 

Mổ sẻ nhiều vấn đề hóc búa

 Theo đánh giá của Ban tổ chức, hội nghị đã phân tích và tìm đến được sự thống nhất cao trong một số đề tài và phương pháp khoa học để áp dụng vào lĩnh vực huyết học và ghép tế bào gốc. Các vấn đề khó như; Bệnh lý huyết học ác tính, di truyền, mãn tính; Ghép tế bào gốc tạo máu; Dấu ấn miễn dịch tế bào; Truyến máu, Truyền máu trong ghép tế bào gốc tạo máu;  Ngân hàng Tế bào gốc…đã được phân tích kỹ lưỡng sau khi đối chiếu thực tiễn.

 

                                                  BS.Phù Chí Dũng đánh giả khả quan về công nghệ ghép tế bào gốc

Theo phân tích của BS.CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.Hồ Chí Minh thì; Tế bào gốc là tế bào non trẻ có thể tự chuyển thành tế bào khác và phát triển thành mô, cơ quan. Phải có cách nhận định đúng về ghép tế bào gốc. Ghép tế bào gốc có nhiều loại, bao gồm ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc tạo các cơ quan khác. Hiện nay ở Việt Nam ứng dụng ca ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên vào ngày 15/7/1995. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự ra đời lĩnh vực ghép tế bào gốc nói chung của nước ta. Đến nay, công nghệ ghép tế bào gốc đang được mạnh phát triển theo hướng ghép tạo máu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn như; không có ngân hàng tế bào gốc tạo máu, chưa hình thành được cộng đồng hiến tủy. Nếu hiến máu nhân đạo (việc chúng ta đang triển khai rất thành công) là cách cho máu, thì hiến tủy là cách cho tế bào gốc. Bên cạnh đó, chi phí cho một ca ghép tế bào gốc hiện nay còn rất cao, trung bình mỗi ca lên đến 200-300 triệu đồng.

 

                                                Các bệnh nhân ghép tế bào gốc có thể hoàn toàn khỏe mạnh trở lại

Đánh giá về công nghệ cấy ghéo tuyến tụy và một số bộ phận trong nội tạng người, nhà khoa học Jean Calop Christophe Ribuot cùng nhiều bác sỹ và chuyên gia khác cũng tìm được tiếng nói chung là; công nghệ cấy ghép các bộ phận trong nội tạng người cần phải xác định chính xác các yếu tố đồng nhất, các kỹ thuật cắt ghép. Càng chính xác khoa học trong các thao tác này thì tỷ lệ thành công càng cao. Ở Việt Nam đã có nhiều bệnh viện thực hiện thành công các ca ghép khó như Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện 108…Trong các kỹ thuật cấy ghép thì cấy ghép tuyến tụy là một ca phẫu thuật phức tạp vì tuyến tụy có rất nhiều mạch máu. Những mạch máu này nếu không bóc tách chuẩn xác trong quá trình thực hiện phẫu thuật, thì sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, sự thành công trong phẫu thuật cấy ghép tụy được xem là một thành tựu nổi bật của các bác sĩ phẫu thuật Việt Nam.

 Nhiều hy vọng mới cho các bệnh hiểm

Từ thành công trong việc ghép tế bào gốc các bệnh liên quan đến tuyến tụy chứng tỏ rằng nền y học Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Sự thành công trong việc ghép tế bào gốc sẽ mở ra nhiều hy vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm. Một trong những bệnh hiểm phổ biến mà nhiều người còn chưa nhận thức đúng đó là bệnh Bạch cầu.

 Theo nhiều bác sỹ và nhà khoa học của Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.Hồ Chí Minh, như; BS. Đỗ Thị Hải Vân, BS. Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, TS. BS. Huỳnh Văn Mẫn, bạch cầu cấp thường được gọi nôm na là “ung thư máu”. Mặc dù Bạch cầu cấp thường được coi là bệnh lý không thể chữa khỏi, nhưng gần đây kết quả điều trị tốt hơn nhiều nếu được điều trị thích hợp, nhờ sử dụng các phương pháp điều trị tiên tiến. Muốn điều trị tốt phải nhận thức đúng và chính xác về bệnh. Bệnh này có các tế bào ung thư nhân lên rất nhanh. Và nếu không được điều trị, các tế bào này sẽ ứ đọng trong tủy xương và tác động cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường.

 

                                                  Nhiều vấn đề về bệnh bạch hầu đã được mổ sẻ

Do các tế bào ung thư có thể lan tràn đi rất xa trong cơ thể nên có thể gây ra hàng loạt triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau. Bệnh bạch cầu cấp tiến triển nhanh và có thể gây tử vong trong vòng vài tuần đến vài tháng nếu không được điều trị. Hiện nay, cách điều trị hiệu quả nhất chủ yếu tập chung vào 3 phương pháp; Điều trị tấn công lui bệnh: để đẩy lùi tế bào ác tính đồng thời cho phép tế bào bình thường hồi phục. Điều trị sau lui bệnh: mục đích làm giảm tối thiểu số lượng tế bào ác tính, đồng thời tế bào máu trở lại mức bình thường. gọi là lui bệnh hoàn toàn. Nếu ngừng điều trị ở giai đoạn này, hầu hết bệnh nhân sẽ bị tái phát. Ghép tế bào gốc tạo máu: là phương pháp được tiến hành để làm giảm nguy cơ tái phát và đạt gần đến tình trạng chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Ghép tế bào gốc tạo máu sử dụng hóa trị liệu/xạ trị toàn thân với liều cao, để phá hủy tối đa số lượng tế bào bạch cầu ác tính trong cơ thể. Vì phương pháp điều trị này cũng làm tổn thương cả các tế bào gốc tạo máu bình thường trong cơ thể, nên các tế bào gốc mới cần được ghép vào sau khi điều trị. Chỉ định ghép phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, tình trạng toàn thân và chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Đánh giá về công nghệ ghép tế bào gốc ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học nhận định; Từ tháng 7/1995, phương pháp ghép tủy xương đã được ứng dụng để điều trị bệnh lý huyết học tại Trung tâm Truyền Máu Huyết Học, nay là Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh, và đã đạt được rất nhiều thành quả ngoạn mục. Tùy phương pháp và bệnh lý mà nguồn tế bào gốc được chọn có thể là của chính người bệnh sau khi đã điều trị tạm lui bệnh hoặc của người khỏe mạnh khác cho hoặc từ máu cuống rốn. Do vậy, ghép tế bào gốc có thể là tự ghép (của chính người bệnh), dị ghép (của người cho khỏe mạnh khác), ghép máu cuống rốn (tế bào gốc từ máu cuống rốn, có thể của tự thân hoặc của người khác).  BS CKII Phù Chí Dũng khẳng định; tính đến nay, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện ghép tế bào gốc cho 220 bệnh nhân, kết quả thu được rất khả quan, tỷ lệ sống không biến cố 20 năm là 45%, tỷ lệ sống còn 20 năm là 50%. Kết quả này tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Chính vì lẽ đó, các bệnh nhân hãy tự tin và yên tâm vào công nghệ ghép tế bào gốc ở Việt Nam.

Đông Hưng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh