Nhiều F0 tại TP.HCM không nhận được túi thuốc điều trị, đặc biệt là túi thuốc C
- Y học 360
- 14:01 - 16/11/2021
Chiều ngày 15/11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn thông báo cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Theo đó, cấp độ dịch COVID-19 của toàn thành phố giữ nguyên cấp độ 2 như 3 tuần trước đó. Đối với cấp quận, huyện và TP Thủ Đức, có 10 địa phương đạt cấp độ 1 (Quận 1, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh); 11 địa phương đạt cấp độ 2 (Quận 3, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, TP Thủ Đức) và 1 địa phương cấp độ 3 là huyện Cần Giờ. Ở cấp phường, xã, thị trấn; có 161 địa phương đạt cấp độ 1, 146 địa phương đạt cấp độ 2 và 5 địa phương đạt cấp độ 3.
Tính từ 16g ngày 14/11 đến 16g ngày 15/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.165 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 445.176 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Trước phản ánh một số F0 không được chăm sóc, điều trị sau khi liên lạc với một số cơ sở y tế; nhiều bệnh nhân không nhận được túi thuốc điều trị, đặc biệt là túi thuốc C, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho hay, Sở đã nắm bắt được tình hình này và lập tức có văn bản nhắc nhở các địa phương. Đồng thời, thành lập 10 đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế, hướng dẫn, chấn chỉnh các địa phương.
Trước đó, Sở Y tế đã mời 22 Giám đốc Trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức để quán triệt lại việc chăm sóc F0 tại nhà, nhất là các F0 đủ điều kiện nhận túi thuốc C mà chưa được cấp kịp thời. Nếu địa phương, trạm y tế không phát thuốc cho bệnh nhân thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều F0 vẫn chưa thể tiếp cận được với các túi thuốc điều trị, nhiều bệnh nhân phải tự mua thuốc điều trị. Cụ thể như TP. Thủ Đức, Quận 7, huyện Nhà Bè, Quận 12....
Ngày 10/11, một số người dân chung cư Hưng Phát 2 (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho biết, không nhận được tư vấn hay chăm sóc từ y tế phường dù đang cách ly tại nhà. Chị Th.V. chia sẻ, từ lúc cách ly đến nay, không có nhân viên nào xuống căn hộ test lại Covid-19 cho gia đình chị, mà y tế phường yêu cầu người bệnh phải tự lên phường để làm xét nghiệm và không một túi thuốc nào được cấp phát.
Tuy nhiên, theo quy trình, khi F0 báo kết quả dương tính, trạm y tế sẽ đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm F0 (nếu cần) và những người liên quan. F0 đủ điều kiện sẽ cách ly tại nhà, được hướng dẫn và cấp phát túi thuốc A,B. Bên cạnh đó, F0 được tư vấn về gói thuốc C – Molnupiravir, hay còn gọi là thuốc kháng virus. Người bệnh phải ký cam kết để được sử dụng.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế , trừ túi thuốc A, các túi thuốc B, C là 2 túi thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và không phải F0 nào cũng có thể sử dụng.
“Túi thuốc C chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và sự đồng thuận của bệnh nhân; chống chỉ định đối với bệnh nhân F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận…” - ông Hưng nhấn mạnh.
Tính đến chiều ngày 13/11, số túi thuốc còn là hơn 20.000 liều cho bệnh nhân (chưa kể số liều đã phát cho các cơ sở y tế mà chưa phát cho F0), TP.HCM đủ thuốc để cung ứng cho F0 có chỉ định sử dụng trong giai đoạn này.
Về chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế, theo ông Hưng, từ tháng 5/2021, TP đã dùng ngân sách để chi thu nhập tăng thêm với hệ số 1.2 cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16 /NQ-CP với mức chi 130.000đ/người/ngày - 300.000đ/người/ngày cho các nhân viên y tế tuỳ theo công việc thực hiện. HĐND TP cũng có Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND về một số chính sách, chế độ đặc thù đối với lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch, trong đó mở rộng thêm một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn so với Nghị quyết 16 của Chính phủ và nâng mức chế độ tiền ăn cho những người tham gia là 120.000 đồng/người/ngày.