THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:44

Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông- Xuân

 

Cục Y tế dự phòng cho biêt,  năm 2016, Việt Nam ghi nhận hơn 110.800 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 1,9% so với năm 2015, trong đó có 36 trường hợp tử vong, giảm 18 trường hợp so với năm 2015. Đặc biệt, số trường hợp mắc tăng cao ở khu vực Tây Nguyên. 

Về tình hình bệnh cúm, năm 2016, trên toàn quốc ghi nhận lưu hành của cúm A và cúm B, trong đó cúm A/H3 chiếm ưu thế. Đặc biệt, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 và cúm A/H5N6. Trong các bệnh cúm thì cúm A/H3 chiếm 46%, cúm B chiếm 36%, cúm A/H1N1 chiếm 18%.Về bệnh tay chân miệng, đây là loại bệnh mà có số người mắc trên tỷ lệ 100.000 dân luôn ở mức cao nhất. Năm 2016, Việt Nam ghi nhận hơn 50.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (giảm 16% so với năm 2015); trong đó có 1 trường hợp tử vong (giảm 4 trường hợp so với năm 2015). 

 

Ông Trần Đắc Phu cung cấp thông tin cho báo chí

 

Theo ông Trần Đắc Phu, năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do sự giao lưu đi lại của người dân giữa các quốc gia, đô thị hóa rõ nét, biến đổi khí hậu và tập quán của người dân.

Theo ông Phu, các bệnh dịch mới nổi có thể tiếp tục bùng phát trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là các bệnh liên quan tới sự biến chủng của vi sinh vật khó có thể lường trước được. Chẳng hạn như chủng cúm và một số bệnh lưu hành theo chu kỳ một vài năm lại tăng lên. Bên cạnh đó, các bệnh trên động vật có thể lan sang người mà trước kia chỉ tồn tại bệnh đó ở trên động vật. Nguyên nhân là do con người hiện nay tiếp xúc với động vật hoang dã nhiều hơn, đi vào rừng nhiều hơn, do vậy lây nhiễm bệnh từ động vật.

“Một số bệnh liên quan tới vắcxin tiêm chủng có nguy cơ lây lan mạnh, nguy hiểm chúng ta đã có vắcxin nên có thể khống chế được. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, với nhóm bệnh này, nếu như ở đâu đó vùng nào đó không tập trung tiêm chủng tốt thì có thể xảy ra nhiều trường hợp mắc bệnh. Riêng về dịch Zika, trong thời gian qua chúng ta đã phát hiện ra một số tỉnh có chẩn đoán ca bệnh nhiễm virus Zika. Đặc biệt trong, gần đây số ca mắc bệnh có tăng tại TP. Hồ Chí Minh với trên 200 ca .Chúng tôi nhận định, trong năm tới, dịch bệnh do virus Zika sẽ tăng cả về số địa phương và số ca bệnh. Với virus Zika, chúng tôi xác định nó sẽ trở thành bệnh dịch lưu hành, bởi nó có nguồn bệnh, vật trung gian truyền bệnh là loại muỗi sốt xuất huyết, rất phổ biến ở Việt Nam. Trong thời điểm này chúng ta không quan ngại lắm về số bệnh nhân nhiễm virus Zika vì phần lớn các ca bệnh nhẹ và không gây tử vong mà đáng quan ngại là các bà mẹ mang thai, nó có thể liên quan tới chứng đầu nhỏ. ” - Ông Phu nhấn mạnh.

 

Mùa Đông- Xuân, trẻ em mắc bệnh đường hô hấp tăng nhanh

 

Để phòng chống các loại dịch bệnh trong thời tiết Đông-Xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em); đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 

Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng để giám sát trọng điểm cúm và hội chứng viêm phổi cấp để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch để tổ chức cách ly, quản lý kịp thời.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh