Nhiều chính sách, luật có hiệu lực từ 1/1/2018
- Tây Y
- 15:59 - 25/12/2017
Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2018. Mức đóng BHXH bắt buộc gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng...
Phạt tù chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH
Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 cũng quy định xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (NLĐ).
Cụ thể: gian dối, không đóng hoặc đóng không đầy đủ BH từ 6 tháng trở lên (trốn đóng từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng cho từ 10 đến dưới 50 NLĐ) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền 200-500 triệu đồng.
Phạm tội 2 lần trở lên, trốn đóng BH từ 300 triệu đến dưới 1 tỉ đồng, trốn đóng BH cho từ 50 đến dưới 200 người, không đóng số tiền BH đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ (theo quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 1, điều 216 BLHS 2015), bị phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.
Trốn đóng BH 1 tỉ đồng trở lên, trốn đóng BH cho 200 người trở lên, không đóng số tiền BH đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ (theo quy định tại điểm b hoặc điểm c, khoản 2, điều 216 BLHS 2015), bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù 2-7 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, phạt tiền 1-3 tỉ đồng.
Chuẩn bị phạm tội vẫn chịu trách nhiệm hình sự
Theo BLHS 2015, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hay vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của bộ luật này phải bị xử lý hình sự...
Chuẩn bị phạm tội theo BLHS là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hay thành lập, tham gia nhóm tội phạm.
Người có hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự với 25 trong số 314 tội danh thuộc 5 nhóm tội: xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; xâm phạm sở hữu; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội xâm phạm an toàn công cộng.
Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch. Trong ảnh: Phố đi bộ Bùi Viện tại TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch
Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch.
Về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch, cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ du khách, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương...
Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân
Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) quy định về người được TGPL; tổ chức thực hiện TGPL; người thực hiện TGPL; hoạt động TGPL; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động TGPL.
TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL trong vụ việc TGPL theo quy định của luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Người được TGPL gồm người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
Ngoài ra, người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính cũng được TGPL: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng chống mua bán người; người nhiễm HIV...
Áp dụng công thức tính lãi suất mới
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 14/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Theo đó, thời gian sử dụng để quy đổi mức lãi suất tính lãi theo tỉ lệ %/tháng, %/tuần, %/giờ sang mức lãi suất theo tỉ lệ %/ngày; quy đổi mức lãi suất theo tỉ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỉ lệ %/năm và ngược lại được tính như sau: Một năm là 365 ngày, một tháng là 30 ngày, một tuần là 7 ngày, một ngày là 24 giờ.