THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:44

Nhiều bệnh viện hoãn mổ vì thiếu máu

 

Ngân hàng máu cạn kiệt

Hầu như năm nào cũng vậy, theo chu kỳ cứ vào các tháng 7, 8, 9 và dịp cận Tết là lượng máu lại vô cùng khan hiếm. Thông thường nguồn máu hiến đến từ các tình nguyện viên là sinh viên học sinh chiếm tỷ trọng lớn, do vậy, các bệnh viện trên cả nước đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn máu dự trữ do sinh viên học sinh nghỉ hè. Nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Cần Thơ, TP. HCM, Khánh Hòa, Gia Lai…  đều đang nằm trong tình trạng báo động.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết, trung bình mỗi ngày Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cần khoảng 1.500- 1.800 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị tại hơn 170 bệnh viện phía Bắc. Để bảo đảm nhu cầu này, các đợt tiếp nhận máu được tổ chức liên tục khoảng 5-8 điểm mỗi ngày.Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 tới nay, mỗi ngày chỉ tổ chức được 3- 5 điểm. Số lượng máu tiếp nhận giảm đáng kể với khoảng 300- 800 đơn vị, chỉ đáp ứng dưới 50% nhu cầu điều trị.

“Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ cuối tháng 5, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã gửi thư mời hiến máu tới các cơ quan, đơn vị cho phép đặt lịch hiến máu từ tháng 7 tới tháng 9, tuy nhiên, số lượng các đơn vị đồng ý tổ chức chương trình hiến máu mới chỉ đáp ứng được dưới 50% lượng máu cần cho điều trị, dẫn đến tình trạng khan hiếm máu như hiện nay”- Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết

Ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị


Thiếu nguồn máu hiến, công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn


Hiện nay, lượng máu phục vụ cho công tác điều trị chủ yếu lấy từ nguồn hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Việt Nam phải tổ chức các phong trào hiến máu nhân đạo ít nhất 10 năm nữa thì hoạt động hiến máu mới có thể trở thành việc làm thường xuyên của mỗi người dân như nhiều nước hiện nay. Tại Nhật không có phong trào vận động mà mỗi người dân có kế hoạch hiến máu riêng, cân nhắc sức khỏe, sắp xếp thời gian. Xe hiến máu đỗ khắp nơi, nhiều điểm hiến máu ngay cả trong siêu thị. Tương tự Thái Lan có 61 triệu dân, mỗi năm tiếp nhận được 7 triệu đơn vị máu. Trong khi đó, ước tính năm 2016 Việt Nam thu được khoảng 1,4 triệu đơn vị máu, chỉ 1,6% dân số hiến máu. Do vậy,  Việt Nam chỉ cần lơ là hoạt động hiến máu là không có máu cho cấp cứu, điều trị.

Tình trạng cạn kiệt của ngân hàng máu, đặc biệt là thiếu trầm trọng nhóm máu A những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nhiều tới công tác điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại các bệnh viện. Đặc biệt, máu là nguồn sống của những bệnh nhân thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Nếu không được truyền máu thì người bệnh sẽ khó qua khỏi. Giáo sư Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, Viện đã phải liên hệ tới các bệnh viện có kế hoạch hoãn mổ để giảm nhu cầu sử dụng máu đối với các bệnh không cấp cứu như bệnh tim, những cuộc mổ phải sử dụng nhiều máu. Máu khan hiếm nên chỉ ưu tiên cho các trường hợp bệnh cấp cứu như xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu bẩm sinh, sinh mổ, tai nạn giao thông...

" Hiện  tình trạng thiếu máu xảy ra khắp nơi, đặc biệt, tại Cà Mau và Kiên Giang thiếu máu rất nặng. 2 tuần nay các địa phương phải kiếm từng đơn vị máu để truyền cho bệnh nhân. Chính vì thế, Chúng tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hiến máu, góp phần cứu sống người bệnh” Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

 

Hành trình Đỏ 2017 với thông điệp "Kết nối dòng máu Việt" được tổ chức từ 1-31/7 tại 28 tỉnh thành, dự kiến tiếp nhận khoảng 45.000 đơn vị máu. Đây là chương trình trọng tâm trong chiến dịch Những giọt máu hồng Hè do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát động. Hai đoàn với 140 tình nguyện viên chia thành hai cánh sẽ hội quân tại Hà Nội vào ngày 27/7. Trong đó, Hành trình Đỏ các tỉnh phía Nam xuất phát từ Đất Mũi (Cà Mau), đi qua 18 tỉnh thành; phía Bắc xuất phát từ Phú Thọ qua 9 tỉnh thành vùng Đông Bắc. Ngày hội hiến máu Giọt hồng tri ân diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia ở Hà Nội vào ngày 29/7.  Đến thời điểm hiện nay, hành trình  trình đã tiếp nhận được hơn 5.600 đơn vị máu. 

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh