THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:22

Nhiều bệnh nhân nhập viện sau Tết Canh Tý cần cảnh giác một số bệnh

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lão khoa trung ương có hơn 10 bệnh nhân (độ tuổi 60-90) đang nằm điều trị, đa phần là bị bệnh nặng, phải thở máy.

BS Trần Mạnh Bắc, trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Lão khoa trung ương) chia sẻ, Tết Nguyên Đán năm nay trời rét đậm nên số lượng người già nhập viện tăng nhẹ so với ngày thường. Ngay trong sáng 29-1, khoa đã tiếp nhận cùng lúc 4 bệnh nhân nhập viện với các bệnh, như: Viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ… Trong những ngày Tết, do thay đổi thói quen sinh hoạt, quên uống thuốc định kỳ nên người già mắc bệnh mạn tính dễ bị tái phát. Hơn nữa, trời rét đậm, mạch máu co lại khiến người già bị tăng huyết áp, đối mặt với nguy cơ đột quỵ...", bác sĩ Trần Mạnh Bắc nói.

Nhiều bệnh nhân nhập viện sau Tết Canh Tý cần cảnh giác một số bệnh - Ảnh 1.

Các bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bà Bùi Thị Hồng, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, từ ngày 23-1 (tức 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) đến ngày 29-1 (mùng 5 Tết Canh Tý), bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 260 bệnh nhân bị khó thở hen phế quản, tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch…, trong đó có 180 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú. Theo bà Bùi Thị Hồng, ngày Tết, đại đa số người Việt, trong đó có những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch tự cho phép bản thân ăn uống thoải mái mà không kiêng bất cứ đồ ăn, thức uống nào. Thêm vào đó là việc quên uống thuốc và thời tiết trở lạnh khiến huyết áp có thể tăng bất cứ khi nào, thậm chí gây tai biến mạch máu não.

Các món ăn ngày Tết khá đa dạng, chứa nhiều tinh bột, chất béo và các cholesterol xấu cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân đái tháo đường. Theo bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Phòng Công tác - Xã hội (Bệnh viện Nội tiết trung ương), năm nào cũng vậy, ngay sau mùng 1, mùng 2 Tết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại của người bệnh đái tháo đường nhờ tư vấn vì đường huyết tăng quá cao.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) chia sẻ, thời điểm trong và sau Tết Nguyên Đán, có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân chính thường là thói quen tích trữ thực phẩm của các gia đình để dùng trong ngày Tết. Nhiều người thấy giò chả bị nhớt, bánh chưng bị mốc bên ngoài nhưng vẫn cố ăn. Trường hợp ngộ độc nhẹ thì đau bụng, nặng thì tiêu chảy…

Bác sĩ Trần Mạnh Bắc, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Lão khoa trung ương) khuyến cáo, người cao tuổi nên giữ ấm, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm hay viêm đường hô hấp. Khi đi ra đường nên đeo khẩu trang; hạn chế bắt tay; nên rửa tay thường xuyên. Mặt khác, việc ăn uống phải bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng.

Người cao tuổi không nên bỏ qua các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, khó thở, yếu nửa người. Khi thấy có dấu hiệu như vậy nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Nếu người già nằm viện thì gia đình, người thân cũng hạn chế đến thăm đông. Nhiều trường hợp người nhà ùn ùn tới thăm, dù bệnh nhân đang nằm ở phòng cấp cứu. Người khỏe mang mầm bệnh thì không chắc đã mắc bệnh, nhưng người bệnh đã ốm lại càng nặng thêm.

Theo Bộ Y tế, tính từ 7 giờ ngày 23-1 đến 7 giờ ngày 29-1, trên toàn quốc đã có 2.031 trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, trong đó có 415 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến. Riêng tại Hà Nội, Sở Y tế cho biết, trong 6 ngày nghỉ Tết (từ 23-1 đến 28-1), các bệnh viện đã khám cho 17 trường hợp bị rối loạn tiêu hóa. 

MT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh