THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:11

Nhiều bất ngờ về nghị định phạt nặng liên quan tới rượu, bia

Ngay khi Nghị định 100/2019 của Chính phủ có hiệu lực (1-1-2020), dư luận đã dậy sóng khi lực lượng CSGT trên cả nước đồng loạt kiểm tra, xử phạt nhiều người lái xe có uống rượu, bia với số tiền phạt ngất ngưởng gây ra nhiều hiệu ứng tích cực.

Nghị định 100/2019 còn có nhiều nội dung nổi bật khác mà bất kỳ người lái xe nào cũng cần chú ý.

Nhiều bất ngờ về nghị định phạt nặng rượu, bia - Ảnh 1.

Bổ sung nhiều vi phạm mới

Với Nghị định 100/2019, lực lượng chức năng không còn bị trói tay trước nhiều hành vi sai phạm khá phổ biến.

Dễ thấy nhất là tình trạng nhiều tài xế do không gài chốt cẩn thận khiến thùng container rơi gây nguy hiểm cho người đi đường. Vì Nghị định 46/2016 cũ không quy định rõ nên nhiều địa phương không thể xử phạt vi phạm này.

Nay điểm c khoản 4 Điều 24 Nghị định 100/2019 hướng dẫn rõ: Hành vi “chở container trên xe (kể cả sơmi rơmoóc) mà không sử dụng thiết bị để định vị chắc chắn container với xe hoặc có sử dụng thiết bị nhưng container vẫn bị xê dịch trong quá trình vận chuyển” bị phạt 2-3 triệu đồng. Đồng thời tài xế vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến ba tháng.

Ngoài việc có nhiều vi phạm mới thì mức phạt áp dụng cho các lỗi đều tăng lên đáng kể để mọi người bắt buộc phải dè chừng, thực hiện nghiêm. Vi phạm về nồng độ cồn là một đơn cử nổi bật (xem bảng) mà theo đó thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt có thể phải là trưởng phòng CSGT (được phạt đến 8 triệu đồng), giám đốc công an tỉnh (được phạt đến 20 triệu đồng), cục trưởng Cục CSGT (được phạt đến 40 triệu đồng).

Nhiều bất ngờ về nghị định phạt nặng rượu, bia - Ảnh 2.

Nhiều bất ngờ về nghị định phạt nặng rượu, bia - Ảnh 3.

Theo Nghị định 100 thì trong một số trường hợp, chính chủ xe phải là người chịu phạt nguội đối với hành vi vi phạm được phát hiện. Ảnh: HỮU TÂM

Chủ xe phải chịu phạt nguội

Trong việc xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát (phạt nguội), từng có những lấn cấn về pháp lý liên quan đến các xe cho thuê, mượn. Đó là khi không tìm ra được người lái xe đã phạm lỗi thì CSGT sẽ ép chủ xe đóng phạt gây ra những bức xúc CSGT phạt oan.

Để rõ ràng hơn, Nghị định 100/2019 quy định: Khi nhận được thông báo yêu cầu đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm, chủ xe phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển xe  thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp chủ xe không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã lái xe sai quy định thì chính chủ xe bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện.

Không tùy tiện từ chối đăng kiểm

Liên quan đến các ô tô vi phạm, CSGT nhiều tỉnh, thành sẽ không còn được lạm quyền đề nghị dừng đăng kiểm nhằm tạo áp lực cho chủ xe thực hiện nghĩa vụ đóng phạt.

Theo khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019, khi quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hoặc văn bản thông báo, nếu chủ ô tô (hay rơmoóc, sơmi rơmoóc, xe máy chuyên dùng) chưa đến giải quyết, người có thẩm quyền xử phạt sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm. Căn cứ vào đó, cơ quan đăng kiểm sẽ có sự cảnh báo vi phạm của xe trên chương trình quản lý kiểm định.

Kế tiếp, khi có người đưa xe đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm sẽ thông báo về việc vi phạm, thực hiện kiểm định xe theo quy định. Bấy giờ cơ quan đăng kiểm sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Lưu ý: Trong trường hợp này, giấy chứng nhận cùng tem chỉ có hiệu lực trong 15 ngày.

Sau khi người vi phạm đến giải quyết xong vụ việc thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa việc cảnh báo. Cùng với đó, cơ quan đăng kiểm sẽ thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Hai thiếu sót gây tranh cãi

1. Không khớp Luật Giao thông đường bộ

Nghị định 100 ngày 30-12-2019 chỉ nêu các căn cứ pháp lý là các luật giao thông đường bộ, đường sắt và không đề cập đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Điều đáng nói là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua nửa năm trước (ngày 24-6-2019) và có hiệu lực cùng ngày với Nghị định 100/2019 là 1-1-2020.

Theo đó, chỉ khi có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 thì mới có việc đã uống rượu, bia không được lái tất cả loại xe chứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) không cấm tiệt như thế.

Do vậy sẽ hợp lẽ hơn nếu khi đề ra cách xử phạt nào giờ mới có đối với người chạy xe máy, xe đạp có nồng độ cồn ≤ 0,25 mg/lít khí thở…, Nghị định 100/2019 căn cứ vào cả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Có hiệu lực chỉ sau hai ngày ban hành

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời điểm có hiệu lực của các văn bản do các cơ quan trung ương ban hành không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Vậy Nghị định 100/2019 có hiệu lực chỉ sau hai ngày ban hành thì có đúng luật không?

Được biết lúc đầu Bộ GTVT chỉ định xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016. Sau đó, Bộ GTVT bỏ dự thảo nghị định sửa đổi đó và soạn lại nghị định mới để thay thế Nghị định 46/2016. Đầu tháng 8-2019 (sau khi đã có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia), Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến dự thảo mới.

Trả lời báo chí, một vụ phó Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ cho biết sở dĩ Nghị định 100/2019 có hiệu lực nhanh kỷ lục là do nghị định này được xây dựng, ban hành theo trình tự rút gọn.

Thật ra giải thích vậy cũng không được thuyết phục lắm vì Bộ GTVT đã có thời gian khá dài để triển khai. Nếu đúng là rút gọn thì thời hạn lấy ý kiến theo luật định chỉ là 20 ngày. Trong khi đó, với dự thảo Nghị định 100/2019 thì như thông báo trên website của Bộ GTVT, bộ này đã thực hiện lấy ý kiến đến những hai tháng. Nếu sau đó nữa Bộ GTVT nỗ lực hoàn chỉnh, đệ trình thì nghị định đã có thể được ký ban hành sớm hơn để mọi người đỡ cập rập và thực thi tốt hơn.

Theo NGUYÊN THY/Pháp luật TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh