CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:32

Quảng Nam: Nhiều bất cập từ đường cứu nạn cứu hộ

 

Tuyến đường cứu nạn cứu hộ đi qua địa phận thôn Phước An 2 (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có chiều dài 3km do Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai - Quảng Nam làm chủ đầu tư, được thi công từ năm 2013, đến nay đã hoàn thành nửa chặng đường. Tuy nhiên, kể từ khi thi công tuyến đường này, đã phát sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất của người dân.

 

Đường lầy lội sau mưa.ảnh:H.T

 

Ông Hồ Văn Chung-Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết, do tác động từ thi công đường cứu nạn cứu hộ đã có 3,8ha diện tích lúa của 124 hộ dân gần khu vực phải bỏ hoang. “Hơn 15 hộ dân hai bên đường cứu nạn cứu hộ thường xuyên bị ngập lụt, nước tràn vào nhà dân, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, vấn đề đi lại giao thương của người dân và học sinh gặp nhiều khó khăn”- Ông Chung nói, .

Tại đoạn cống chui hộp đôi, rất nhiều học sinh và người dân qua lại phải lội nước, nhiều học sinh đi xe đạp bị té ngã do đường trơn. Em Hoàng Thị Nhị, lớp 5, trường Tiểu học Thái Phiên, trên đường đi học về, nói: “Chúng em không dám đạp xe qua nên phải dắt bộ, khi lầy lội phải nhờ người lớn mang xe qua”. Nhiều học sinh phải nhờ cha mẹ đưa đón.

 

Học sinh nhiều lần bị ngã.ảnh:H.T

 

Ông Hoàng Thúc Võ, Bí thư Chi bộ thôn Phước An 2 cho biết, cống hộp thi công thấp hơn mặt đường ĐH 15, đường dân sinh, đến 20cm, nên chỉ cần mưa nhỏ cũng gây đọng nước. “Vào mùa mưa lũ, lượng mưa mang theo đất đỏ hai bên đường tấp vào nhà dân, nhiều người phải xây xi măng nâng cao ngõ vào để hạn chế nước tràn vào nhà”. Hiện tại, tuyến đường cứu nạn cứu hộ này được xem là đường huyết mạch của người dân, chỉ cần mưa lớn kéo dài có thể gây cô lập thôn, tắt giao thông. Toàn thôn Phước An 2 có 356 hộ dân, hơn 100 học sinh các thôn lân cận đi qua đoạn đường này bị ảnh hưởng, đặc biệt, nhiều nhà dân gần khu vực thi công có nguy cơ bị xóa sổ.

Không làm được ruộng lúa, người dân phải đi làm thuê, thợ xây, công nhân tại các khu công nghiệp trang trải kinh tế. Ông Võ nói: “Mỗi sào lúa hằng năm thu được 60 ang, nhưng nay không còn làm được, đã 3 năm qua, ruộng đồng bỏ cho cỏ mọc um tùm, nước ngập lai láng”.

Chủ tịch xã, ông Chung cho biết, để cải thiện đời sống người dân khi ruộng bỏ hoang, hằng năm, huyện phối hợp với xã tự bỏ kinh phí hỗ trợ một phần cho người dân. Chính quyền và người dân mong rằng đường cứu nạn cứu hộ nhanh chóng hoàn thành, tránh tình trạng kéo dài nhiều năm, xây dựng phù hợp với lòng dân trong cải thiện các đoạn dễ ngập nước.

HUYỀN TRANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh