THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:27

Nhật ký từ tâm dịch Vũ Hán trong thời gian phong tỏa: Chúng ta sẽ không quên những ngày tháng cùng nhau chống dịch

Gia đình Zhang Xizhi sinh sống ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại đây, Zhang Xizhi đã chứng kiến cuộc sống của thành phố ngừng lại, lặng lẽ. Cô đã ghi lại thời gian ảm đạm đó bằng nhật ký và những bức ảnh để không bao giờ quên:

Gia đình nhỏ chúng tôi gồm 3 người, và sống ở Vũ Hán. Mặc dù may mắn là không ai nhiễm bệnh trong đại dịch Covid-19 nhưng hai tháng vừa qua chắc chắn cho chúng ta những cung bậc cảm xúc không thể nào quên.

Vũ Hán hoàn toàn đóng cửa, biệt lập với bên ngoài vào sáng sớm ngày 23/1, hai ngày trước Tết nguyên đán. Dù trước đó đã có những ca tử vong do một loại viêm phổi mới bí ẩn từ hồi cuối năm ngoái nhưng quyết định đóng cửa, tạm dừng hoạt động của một loạt hệ thống công cộng vẫn khiến chúng tôi như chết lặng.

Những ngày đầu đóng cửa

Nhật ký từ tâm dịch Vũ Hán trong thời gian phong tỏa: Đại dịch sẽ qua, thành phố sẽ phục hồi, nhưng chúng ta sẽ không quên những ngày tháng cùng nhau chống dịch - Ảnh 1.

Từ việc sắm sửa để đón Tết, danh sách chuẩn bị của chúng tôi đột nhiên kéo dài ra với những món đồ để phục vụ nhu cầu sinh tồn. Vì không yên tâm để tôi ra ngoài nên bố khăng khăng đi thay, tôi chỉ có thể thúc giục ông phải đeo khẩu trang, mũ và găng tay cẩn thận, tất nhiên gồm cả việc tránh xa đám đông.

Khi trở về từ cửa hàng, cha nói tất cả đều trống rỗng, từ sảnh chung cư vắng tiếng trẻ vui đùa đến những sân tập thể dục không bóng người. Giá cả tại các cửa hàng tạp hóa tăng lên ít nhất 50% so với thông thường còn ở hiệu thuốc vì không tìm đâu ra các loại khẩu trang, mặt nạ hay cồn sát khuẩn.

Vào ngày thứ hai đóng cửa, tôi quyết định lái xe một vòng quanh thành phố để xem đã có những gì thay đổi suốt 24 giờ qua (trước khi lệnh cấm đối với các phương tiện cá nhân có hiệu lực). Cha tình nguyện lái xe nên tôi có thể chuyên tâm quan sát và chụp ảnh, còn mẹ thì nhắc chúng tôi không cần quá lo cho bà.

Trung tâm thành phố, nơi vẫn thường đông đúc nhộn nhịp nay vắng như tờ, giống như tất cả mọi người còn đang ngủ vậy. Những địa điểm vẫn thường rất thu hút khách thăm quan như Tháp truyền hình Núi Rùa, Hoàng Hạc Lâu hay phố Jiefang giống như không còn tồn tại. Tôi nhìn quanh và thấy những ánh mắt tuyệt vọng của người dân, thấy những người vô gia cư vẫn đang nằm trên vỉa hè rồi tự hỏi, làm cách nào để họ sống sót đây?

Lễ hội mùa xuân khác thường

Ngày 24/1 là ngày Tết âm lịch, chính đêm giao thừa, mẹ tôi nhận được tin là hãng hàng không nơi người họ hàng mới vừa đình chỉ tất cả các chuyến bay. Bà an ủi rằng hãy coi đó như một cơ hội để nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình.

Vì bố tôi hút thuốc trong nhiều năm nên bị viêm phế quản mãn tính, ông ho nhiều đến nỗi mẹ còn trêu là kể cả khi không còn lệnh phong tỏa thành phố và có thể rời đi thì người ta cũng sẽ giữ ông lại vì nghi ngờ có bệnh. Dù bên ngoài mẹ có vẻ rất bình tĩnh và lạc quan nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được nỗi lo lắng bên trong của bà. Bà đã 60 tuổi, đã chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi được 5 năm và những người như bà có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Thông thường để đón giao thừa thì cả họ tộc sẽ tụ tập lại, nhưng vì lệnh cấm nên chúng tôi chỉ đón giao thừa với 3 người mà thôi. Vẫn là những món ăn truyền thống, chúng tôi chúc nhau một năm mới an lành và vui vẻ, cũng như có thể một tuổi mới hạnh phúc.

Không chỉ mẹ mà cả cha tôi cũng lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh của bản thân, vì ông có bệnh lý nền liên quan đến hô hấp lại thường xuyên đi chơi bên ngoài trước khi dịch bệnh được công bố. Ông không thiết xem Gala cuối năm mà bỏ vào phòng, để kệ hai mẹ con tôi vui vẻ với chương trình năm nay.

Tuy sợ hãi nhưng không một ai trong chúng tôi định rời đi. Mẹ tôi nói: “Chạy trốn bây giờ không phải là lựa chọn khôn ngoan. Điều duy nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ bản thân và những người khác là tự nhốt mình trong nhà”.

Nhật ký từ tâm dịch Vũ Hán trong thời gian phong tỏa: Đại dịch sẽ qua, thành phố sẽ phục hồi, nhưng chúng ta sẽ không quên những ngày tháng cùng nhau chống dịch - Ảnh 2.

Những giờ phút đen tối nhất

Từ ngày 25 đến 27/1, chúng tôi liên tục nhận được những tin xấu về việc ca bệnh gia tăng chóng mặt. Nhiều người mà chúng tôi, họ hàng tôi quen biết thậm chí đã chết trong bệnh viện. Mẹ cũng thẳng thắn với cả nhà là nếu có thì mẹ sẽ là người có nguy cơ cao nhất vì căn bệnh phổi của mình. Chúng tôi khi nhận được tin nhắn đó chỉ biết im lặng.

Vì mẹ bị đau răng khoảng 1 tuần sau khi phong tỏa nên tôi quyết định ra ngoài mua thuốc cho bà. Nhà thuốc duy nhất trong khu của chúng tôi đặt 1 cái bàn ở trước quầy, tôi đưa thông tin cần mua cho cô ấy, cô ấy sẽ quay vào lấy thuốc và lại đặt trên bàn để tôi mang đi. Không có bất kỳ một tiếp xúc nào giữa hai người chúng tôi, kể cả nói chuyện. Về đến nhà, tôi thấy mẹ đang khóc nức nở vì hay tin một trong những người họ hàng của bà mới bị nhiễm virus. Dù đã liên hệ với tất cả những mối quan hệ để được giúp đỡ nhưng có vẻ như mọi chuyện không hề dễ dàng.

Vì cha tôi là một công chức cần rời khỏi nhà để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng nên chúng tôi cũng trao trách nhiệm mua các đồ thiết yếu cho ông luôn. Chỉ có điều là mẹ tôi không còn đủ thuốc để điều trị ung thư và thấp khớp do lệnh đóng cửa nên bà buộc phải giảm liều lượng xuống để cầm chừng.

Tôi đã sống ở Vũ Hán 29 năm. Thành phố này là quê hương của tôi, nơi có rất nhiều bạn bè, người thân, người quen biết. Nhưng chỉ trong chục ngày, tôi đã phải từ bỏ một số mối quan hệ mãi mãi. Đường phố im lặng, chỉ còn tiếng xe phun thuốc khử trùng chạy ầm ầm. Chưa bao giờ, Vũ Hán tối tăm và thê lương như thế.

Nhật ký từ tâm dịch Vũ Hán trong thời gian phong tỏa: Đại dịch sẽ qua, thành phố sẽ phục hồi, nhưng chúng ta sẽ không quên những ngày tháng cùng nhau chống dịch - Ảnh 3.

Chiếc bàn đặt trước hiệu thuốc, mọi người đến mua thuốc chỉ cần viết giấy những thứ cần mua và đặt lên bàn mà không cần nói chuyện, tiếp xúc với người bán.

Tê liệt

Sau ngày 2/2, thành phố Vũ Hán bắt đầu tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa. Đường cao tốc ra khỏi thành phố bị chặn, các cánh cổng ra vào thành phố cũng đóng lại. Vũ Hán giống như một nhà tù mà ở trong đó, tôi dần mất đi cảm giác về thời gian.

Cấm rời khỏi nhà, tất cả những gì tôi làm trong những ngày này là quanh đi quẩn lại ăn với ngủ. Nhưng buồn cười là tôi lại giảm tận 3kg. Mẹ tôi nói là do lo lắng cho đất nước đấy. Mẹ tôi cũng tâm sự rằng bà cảm thấy ở mãi trong nhà khiến cảm thấy chồn chân, quá lâu dễ khiến phát điên. Nhưng khi bà quyết định ra khỏi nhà lần đầu tiên sau lệnh phong tỏa vào chiều ngày 14/3, bà cảm thấy hoảng loạn khi nhìn thấy những người khác trên đường đi về phía mình, đặc biệt là những người mặc bộ đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân.

Nhiều bạn bè ngoài Vũ Hán nhắn tin an ủi tôi là mọi việc đang trở nên tốt đẹp hơn rồi, nhưng tôi vẫn không thể bỏ khỏi đầu những trăn trở về hiện thực ngay trước mắt. Có một điều tôi chắc chắn là, đại dịch rồi sẽ qua thôi, nhưng những người chết rồi sẽ không quay trở lại. Khi nào có thể ổn định lại, đừng quên nhớ đến những người đã hy sinh thân mình vì sự bình an của mọi người dân, dựng tượng đài của họ trong trái tim mình

----

Trong những ngày gần đây, thành phố Vũ Hán đã bắt đấu có những dấu hiệu "hồi sinh" đáng mừng. Ngày 25/2, sau gần 40 ngày “phong tỏa”, người dân Vũ Hán chìm trong u ám, thông báo “Anh đào Vũ Đại đã nở hoa sớm rồi” từ trang web của Đại học Vũ Hán khiến ai nấy đều phấn khởi. Hoa anh đào đã nở như thường lệ và điều tốt đẹp sẽ đến như lời đã hứa!

Kể từ khi virus SARS-COV-2 lây lan và sau đó bùng phát tại Vũ Hán, thành phố như bị bao trùm bởi màn đêm. Lệnh phong tỏa khiến cuộc sống như dừng lại, người dân đều cố thủ trong nhà. Tuy nhiên, với sự cố gắng của các y bác sĩ và sự hỗ trợ của toàn dân trên khắp Trung Quốc, số ca nhiễm bệnh mới đã giảm mạnh, nhiều bệnh viện dã chiến đã đóng cửa sau khi hoàn thành nhiệm vụ y tế. Nhịp sống ở Vũ Hãn dần hồi sinh trở lại.

Theo Sixthtone

Hoàng Lan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh