Nhật ký “đau tận xương tủy” của nữ bệnh nhân ung thư vú khiến thế giới thêm một lần rùng mình vì căn bệnh đáng sợ này
- Y học 360
- 13:47 - 23/12/2019
Ung thư vú, một căn bệnh nguy hiểm cho tính mạng hầu hết đều xuất phát từ sự thờ ơ với chính sức khỏe của bản thân. Hầu như giới trẻ hiện nay đều có tư tưởng "tuổi trẻ bán sức khỏe kiếm tiền, tuổi già bỏ tiền mua sức khỏe" nên họ vẫn dửng dưng trước những thống kê tử vong xuất hiện nhan nhản trên tin tức hàng ngày. Thế nhưng, ắt hẳn ai từng nghĩ vậy sẽ phải thay đổi sau khi đọc nhật ký của Anne Boyer - một nữ bệnh nhân đang phải "níu kéo" mạng sống hàng ngày vì ung thư vú.
Ngày tôi phát hiện ra bệnh...
Khi kỹ thuật viên đóng sầm cánh cửa lại, tôi chợt quay đầu về phía màn hình để xem mọi thứ thế nào. Những khối u màu đen lởm chởm, các mạng lưới thần kinh, các dòng chữ bệnh lý nhỏ xíu… trên tấm phim đó đều định đoạt sinh mạng của mình.
Được bác sĩ tuyên bố chắc chắn mắc ung thư vú, cổ họng tôi dường như nghẹn lại, cảm xúc như vỡ vụn dù trước đó bản thân đã tự nhủ phải thật kiên cường. Khoảnh khắc đó, tôi biết bản thân mình giờ chẳng còn lựa chọn nào cả ngoài: Sống hoặc chết.
Giờ tôi mới hiểu, bệnh tật thì ra rất ít biểu lộ các dấu hiệu ra bên ngoài. Cũng đúng thôi, con người chẳng phải là công cụ máy móc gì, nó không thể biểu lộ những trục trặc thông qua màn hình như máy tính được. Cơ thể cứ âm thầm mắc bệnh, phát triển để rồi một ngày nào đó, nó nổ tung ra khiến bạn chẳng kịp xoay sở.
Từ một cô gái vô lo vô nghĩ, tôi bây giờ phải nhận biết những loại thuật ngữ chuyên dụng trong bệnh viện với các ký tự như MRI, CT, PET. Cô kỹ thuật viên bảo tôi đeo đồ chụp tai và mặc áo choàng bệnh viện vào, sau đó ra hiệu đưa tay lên xuống, hít ra thở sâu, rút máu, tiêm thuốc… Hàng loạt những thứ phải làm trong phòng X-quang biến tôi thành một "thứ" chỉ còn biết đến ánh sáng và bóng tối.
Chúng ta đã được bảo rằng ung thư là một loại bệnh rất khó để phát hiện, là một tác nhân của cái chết, là một tế bào bị hủy hoại, là sai lầm của bản thân, hay là quy luật đào thải của tự nhiên. Nhưng dù như thế nào đi chăng nữa, nguyên nhân của nó đều xuất phát từ bản thân mỗi người. Bởi khi những tin tức về ung thư tràn ngập trên báo chí lẫn truyền hình thì lúc đó, chúng ta có nghĩ đến một ngày mình sẽ bị mắc bệnh hay không? Tại sao hồi ấy mình không bỏ ra chút thời gian để đi khám, rồi giờ ngồi đây hối tiếc vì những gì đã qua?.
Cuộc sống của bệnh nhân ung thư cũng như cuộc sống trong thời kỳ khủng bố và các câu chuyện giả tưởng vậy. Thật đau đớn…
Lời nói của bác sĩ như những nhát dao đâm thẳng vào tim tôi
Bác sĩ phẫu thuật vú nói rằng, yếu tố lớn nhất để gây ra ung thư vú chính bởi phụ nữ "có vú".
Khi Cara - bạn thân của tôi và tôi đang ngồi trong phòng chờ bác sĩ phẫu thuật đến, cô ấy mang cho tôi cái hộp đựng đồ nhỏ để cất vật dụng cá nhân trong đó. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi nhưng khi cầm nó, tay tôi vẫn thấm đẫm mồ hôi. Sau đó, cả hai cùng vào nghe bác sĩ nói những điều mà chúng tôi đã biết: Tôi có một khối u ung thư 3,8cm nằm bên vú trái!
Trên một mẩu giấy ghi chú, bác sĩ chuyên khoa ung thư Baby – cái tên mà tôi và bạn bè gọi ổng, viết ra dòng chữ "Ung thư vú bộ 3 âm tính" và giải thích rằng, hiện tại tôi đang mắc phải loại này và nó không có phương pháp điều trị nào cả. Đây là loại bệnh có tỷ lệ khá hiếm khi mắc, từ 10 – 20% trong ung thư vú nên nó có rất ít lựa chọn điều trị và tiên lượng kém hơn đáng kể so với những bệnh nhân khác.
Ông nói rằng, khối u đã bị hoại tử nghiêm trọng và còn phát triển nhanh tới mức chóng mặt. Thông thường, tỷ lệ tăng trưởng của khối u chỉ cần trên 20% đã là một mối nguy hại lớn, nhưng trong tôi đã lên đến 85% - gấp 4 lần cột mốc ấy. Ngay lập tức bác sĩ Baby yêu cầu tôi phải hóa trị gấp, nếu không làm thì sẽ chết.
Dù vậy, tôi biết rằng dù mình có làm hóa trị thì tỷ lệ sống cũng rất thấp do các biến chứng phụ hoặc sống thì cũng không còn khỏe như xưa. Trước mớ bòng bong này, tôi còn không biết nên sống hay chết đây nữa.
Mỗi mũi tiêm là mỗi lần tôi chết đi sống lại
Trong khoảng 60 giờ, thuốc Adriamycin sẽ được truyền vào cơ thể tôi, thông qua một cổng nhựa được phẫu thuật để cấy vào ngực và kết nối với tĩnh mạch cổ. Để đảm bảo an toàn trong việc quản lý thuốc, các y tá sau khi kiểm tra đơn thuốc với đối tác phải mặc ngay các trang phục bảo hộ phức tạp và từ từ tiêm Adriamycin vào.
Thuốc đi đến đâu, tôi cảm thấy khó chịu đến đấy. Nhưng theo tôi được biết là, chỉ cần thuốc này chệch ra khỏi tĩnh mạch thì các mô cơ sẽ bị phá hủy trầm trọng. Nó nguy hiểm đến mức mà người ta đồn là nếu thuốc bị đổ, nó sẽ làm tan chảy các tấm vải trên sàn phòng khám. Trong vài ngày sau khi dùng thuốc thì cơ thể tôi đúng nghĩa là một chất độc, nó có thể gây hại cho chính người khác và cả bản thân mình.
Điều trị bằng Adriamycin có thể gây ra bệnh bạch cầu, suy tim, suy nội tạng và gần như chắc chắn làm tôi vô sinh và nhiễm trùng. Chỉ 3 tiếng sau khi dùng thuốc, cơ thể tôi đã bắt đầu có những phản ứng đau đớn rồi. Thế nhưng, dù có muốn hay không thì tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác.
Hóa trị - Một hình thức tiêu tiền trong đau khổ
Hóa trị, đơn giản theo cách hiểu của tôi chỉ là kéo dài thời gian chết, bởi việc hóa trị cũng không khác cái chết là bao. Y tá bắt đầu "nhét" cái kim tiêm lớn vào dưới da, rút ra những gì có trong cơ thể tôi và cũng bơm ngược trở lại những hóa chất khác. Sau quá trình truyền dịch đầy đau đớn ấy, tôi thậm chí còn không đứng vững nổi nhưng vẫn gắng gượng đi về phòng bệnh.
60 giờ sau, tôi dường như bị liệt hoàn toàn và không thể chịu đựng cơn đau thêm nữa. Nó đau tận xương tủy, thuốc ngấm đến đâu cơ thể tôi như chết dần đến đấy. Giờ đây, sự sống của tôi được níu kéo bởi hàng triệu đô la đang chảy từ từ trong người mình. Nhưng thật không thể chấp nhận được, người ta tiêu tiền để được sung sướng còn bản thân mình thì phải đau đớn vật vã thế này.
Cơ hội làm lại đời tôi...
Rồi ngày đó cũng tới, cái ngày tôi lên bàn phẫu thuật để cắt bỏ vú. Tôi thầm nghĩ, khi phẫu thuật cũng là lúc mình hôn mê, nên nếu có chết đi chắc cũng không quá đau đớn. Nhưng không, tôi vẫn sống. Ca phẫu thuật đã thành công và tôi được ra khỏi phòng hồi sức sớm hơn mình nghĩ.
Tôi đã khóc thút thít vì quá đau, tay thì như liệt hoàn toàn cùng với 4 túi truyền nước được treo lủng lẳng trên thân, đầu óc thì mê sảng và không thể đi lại.
Một thời gian sau, bác sĩ thông báo với tôi rằng việc phẫu thuật cắt bỏ vú sau 6 tháng hóa trị đã cho thấy một kết quả cực kỳ khả quan, một điều mà tôi phải sống dở chết dở để chạm đến: Các khối u ung thư vú đã hoàn toàn biến mất!
Khi nghe xong thông báo đó, tôi òa khóc lên như một đứa trẻ vừa được sinh ra vậy. Mà cũng đúng thôi, tôi dường như đã được sống lại thêm một lần nữa. Thật may mắn vì mình đã không bỏ cuộc khi đứng trước ngưỡng cửa tử thần, trước những cơn đau quằn quại đếm từng giây, trước những loại thuốc tính bằng bạc triệu…
Sau những gì đã trải qua, hiện tôi đang thực hiện những điều còn dang dở, những điều mà mình khao khát được làm khi đang nằm liệt giường. Tôi đang ấp ủ viết một cuốn sách hay nhất về y học, mà cụ thể là các loại thuốc và quá trình hóa trị mà tôi đã chống chọi trong suốt khoảng thời gian vừa qua. Nhưng mục đích cuối cùng của nó chính là lời cảnh tỉnh đến chị em phụ nữ. Tôi chỉ mong đừng ai mắc phải sai lầm này nữa, hãy chịu khó khám định kỳ thường xuyên và quan tâm hơn đến bản thân mình.
Lời cuối cùng, hy vọng những ai đang điều trị ung thư thì hãy lạc quan và tích cực lên. Ông trời không lấy hết của ai thứ gì cả, chỉ cần bạn có tâm lý vững vàng thì mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Đừng lo nhé, sống lạc quan cũng là một loại thuốc vô giá đấy.
Theo Theguardian