CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:04

Nhật Hoàng và Hoàng hậu thăm Việt Nam: Đề cao giá trị nhân văn, gắn kết con người

 

Nhà vua Akihito (sinh năm 1933) và Hoàng hậu Michiko (sinh năm 1934). Ảnh: Imperial Household Agency of Japan.

Đó là nhận định của TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong về chuyến thăm của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đến Việt Nam từ ngày 28/2 tới 5/3.

Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam lần này của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, trong bối cảnh Nhật Hoàng sắp thoái vị?

TS Trần Việt Thái: Đây là chuyến thăm rất đặc biệt vì Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản ít khi đi nước ngoài. Hơn 10 năm qua, Nhà vua và Hoàng hậu đã nhận được nhiều lời mời thăm của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Nhật Hoàng và Hoàng hậu thăm Việt Nam vào thời điểm quan hệ Việt- Nhật phát triển nhất, gần gũi và tin cậy nhất từ trước đến nay, tốt đẹp nhất từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Có thể nói chuyến đi này góp phần vun đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên và thể hiện mong muốn của phía Nhật muốn mở rộng quan hệ, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị vốn đã rất tốt đẹp giữa hai nước.

Vào thời điểm Nhật Hoàng sắp nhường ngôi càng thôi thúc Nhật Hoàng thăm Việt Nam. Ở Nhật, Nhà vua và Hoàng hậu rất được người dân yêu mến và kính trọng. Từ cuối năm ngoái, do sức khỏe không tốt, Nhà vua đã bày tỏ ý định thoái vị. Quốc hội Nhật đang xem xét cách thức thoái vị, chỉ thoái vị trong triều đại này hay đặt ra bộ quy tắc vĩnh viễn.

Thực ra, từ đáy lòng, Nhật Hoàng và Hoàng hậu vẫn muốn thăm Việt Nam, nhưng sức khỏe không thu xếp được, đặc biệt khi Nhật Bản cực kỳ coi trọng việc bảo đảm sức khỏe cho Nhà vua và Hoàng hậu. Đây có thể nói là chuyến thăm vô tiền khoáng hậu, chỉ diễn ra một lần. Điều đó khác với các vị lãnh đạo khác thường có những chuyến thăm vào cuối nhiệm kỳ. Đối với Nhật Hoàng, chuyến đi này thể hiện tình cảm quý mến của cá nhân Nhật Hoàng cũng như Hoàng gia Nhật đối với đất nước Việt Nam trước khi sức khỏe không còn cho phép. Các hoạt động trong chuyến thăm của Nhật Hoàng và Hoàng hậu được sắp xếp khá xa nhau để hai người có thời gian nghỉ ngơi.

Nhân dịp này, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ gặp gia đình một số cựu binh Nhật ở Việt Nam. Theo ông, cuộc gặp này mang ý nghĩa gì?

Nhật Hoàng và Hoàng hậu có nhiều chương trình hoạt động ở Việt Nam trong 6 ngày. Tại Hà Nội, Nhật Hoàng và Hoàng hậu sẽ gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam, gặp các cựu lưu học sinh, học sinh đang học tiếng Nhật, gặp vợ chồng anh Nguyễn Đức (người có anh em song sinh dính liền từng được mổ tách rời rồi sau đó được điều trị tại Nhật Bản), đại diện trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, gia đình các cựu binh sĩ Nhật ở lại Việt Nam rồi tham gia giúp đỡ Việt Minh. Các sự kiện như vậy nhằm giúp người dân Việt Nam và Nhật Bản hiểu được những giá trị nhân văn trong quan hệ Việt - Nhật.

Đối với phía Nhật, nhiều người sẽ hiểu về sự thật lịch sử quan hệ Việt- Nhật sau năm 1945, từ đó khẳng định sự tôn trọng hòa bình của người Nhật. Nhiều người Nhật sau năm 1945 đã ở lại Việt Nam để giúp Việt Minh kháng chiến. Đó là câu chuyện mang tính nhân văn, tình người. Quan hệ Việt - Nhật được thể hiện ở góc độ khác. Từ trước đến nay, quan hệ Việt - Nhật thường được đề cập từ góc độ kinh tế, đầu tư, an ninh, quốc phòng, nhưng chuyến thăm của Nhật Hoàng và Hoàng hậu lần này mang biểu tượng về nhân văn.

Tại Huế, Nhật Hoàng và Hoàng hậu sẽ thăm Nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu. Hơn 120 phóng viên đi theo đoàn sẽ chuyển tải tới dư luận Nhật Bản câu chuyện về phong trào Đông du, về tình bạn giữa cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro. Nhà Vua và Hoàng hậu cũng sẽ thăm Đại nội Huế và nghe Nhã nhạc cung đình, cho thấy Nhật Hoàng và Hoàng hậu muốn tạo thêm sự gắn kết giữa hai nền văn hóa Á đông chia sẻ nhiều nét tương đồng.

Chuyến thăm này còn giúp người dân Việt Nam hiểu thêm về chế độ hoàng thất Nhật Bản. Nhiều người Việt ngưỡng mộ người Nhật vì đức tính cần cù, chăm chỉ, kỷ luật, và lần này là cơ hội để hiểu thêm về Hoàng gia Nhật Bản và cũng giúp người dân Nhật Bản hiểu hơn về Việt Nam.

Quan hệ Việt - Nhật tốt đẹp nhất trong lịch sử 

 Ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt - Nhật hiện nay?

Quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Khuôn khổ quan hệ, giao lưu hợp tác giữa lãnh đạp cấp cao và giữa các bộ, ngành rất sâu rộng. Tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân có chuyến thăm Việt Nam. Phái đoàn kinh tế cấp cao Nhật Bản cũng vừa sang Việt Nam. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp sang thăm Nhật. Cuối năm nay, khi Tuần lễ Cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) diễn ra tại Việt Nam, Thủ tướng Shinzo Abe cũng sẽ tham dự. Những điều đó cho thấy tần suất lãnh đạo cấp cao thăm viếng lẫn nhau rất dày đặc, sâu rộng.

Đầu tư, thương mại của Nhật sang Việt Nam tăng đáng kể. Hiện có xu hướng các doanh nghiệp Nhật dịch chuyển đầu tư từ một số nơi, như Trung Quốc, sang Việt Nam.

Trong khi đó, quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng ngày càng bền chặt. Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề như an ninh, an toàn hàng hải, hỗ trợ cảnh sát biển.

Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam từ trước đến nay, với những công trình hạ tầng chất lượng cao mang tính biểu tượng như Nhà ga T2 của sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân… Tới đây, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang gặp vấn đề về già hóa dân số, thiếu hụt lao động trầm trọng, số lượng y tá, điều dưỡng, tu nghiệp sinh, lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản đang gia tăng.

Giao lưu nhân dân không ngừng được mở rộng. Gần đây, Đại sứ quán Nhật Bản nới lỏng quy định cấp visa cho du khách Việt Nam sang Nhật Bản. Ngược lại, số lượng du khách Nhật sang Việt Nam ngày càng tăng.

Có thể nói quan hệ Việt - Nhật đang phát triển sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Cảm ơn ông!


“Nhật Hoàng và Hoàng hậu thăm Việt Nam vào thời điểm quan hệ Việt - Nhật phát triển nhất, gần gũi và tin cậy nhất từ trước đến nay, tốt đẹp nhất từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Có thể nói chuyến đi này góp phần vun đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên và thể hiện mong muốn của phía Nhật muốn mở rộng quan hệ, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị vốn đã rất tốt đẹp giữa hai nước”.

        TS Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh