CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:15

Nhật hoàng hiểu nỗi lòng của vợ con cựu lính Nhật ở Việt Nam

 

Nhà vua Nhật Bản trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Xuân, vợ cựu lính Nhật tại Việt Nam. Ảnh: Giang Huy.


"Tôi hiểu các cựu binh lính Nhật Bản đã có cuộc sống nhiều sóng gió, gia đình họ cũng gặp nhiều khó khăn, tôi thấy hoà bình rất quý báu", Nhà vua Nhật Bản Akihito nói khi gặp một số người thân của các cựu lính Nhật tại Hà Nội đầu giờ chiều nay.

Dành thời gian trò chuyện với từng người, Nhật hoàng và Hoàng hậu nghe gia đình các cựu binh lính giới thiệu bản thân, hoàn cảnh, mối liên hệ với chồng, bố là người Nhật. Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu cùng bày tỏ mong muốn quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng siết chặt hơn, mong quan hệ hữu nghị giữa hai nước được thúc đẩy. 

Trong số 16 người có mặt tại cuộc gặp này, bà Nguyễn Thị Xuân, 94 tuổi, là đại diện duy nhất trong vai trò vợ cựu lính Nhật Bản tại Việt Nam cách đây hơn 70 năm, số còn lại là con trai, con gái và dâu rể của các binh lính. 

Trong khuôn viên nhỏ tại một khách sạn ở Hà Nội, cuộc trao đổi giữa Nhật hoàng và Hoàng hậu với người thân các cựu lính Nhật chủ yếu xoay quanh câu chuyện cá nhân và mong muốn quan hệ hai nước thân thiết hơn nữa. Khi nghe một số người cho biết mẹ mình vì tuổi cao không đến dự cuộc gặp này, Nhà vua và Hoàng hậu gửi lời chúc sức khoẻ tới họ. 

Đến địa điểm gặp gỡ từ sớm, bà Xuân cho biết bà và 4 người con đã dậy từ 5h sáng vì hồi hộp được gặp Nhà vua và Hoàng hậu. 

"Tôi rất xúc động, trải qua bao năm kháng chiến khó khăn, bây giờ được Nhà vua và Hoàng hậu quan tâm và đến thăm. Chúng tôi không còn gì mừng hơn. Tôi mong hai nước cùng duy trì sự phồn vinh", bà Xuân nói.

Cùng chia sẻ niềm vui khi được gặp Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, ông Trần Đức Dũng, 63 tuổi, cho biết ông đã nóng lòng trông đợi ngày hôm nay. Ông Dũng là con trai của ông Tachibana, có tên Việt Nam là Trần Đức Trung, một cựu lính Nhật Bản đến Việt Nam thời Thế chiến II.

Trong số binh sĩ Đế quốc Nhật Bản được điều động đến bán đảo Đông Dương khi đó, khoảng 600 người đã ở lại sau khi Tokyo đầu hàng đồng minh tháng 8/1945. Nhiều người tham gia Việt Minh chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 -1954. Hơn một nửa thiệt mạng trên chiến trường hoặc qua đời do bệnh tật.

Nhiều binh sĩ Nhật Bản kết hôn với phụ nữ Việt Nam và có con nhưng họ không được phép đưa gia đình về nước. Ước tính có khoảng vài trăm người là vợ, con cựu lính Nhật Bản đang ở Việt Nam.

Theo ông Dũng, ông Tachibana đã rời Việt Nam vào năm 1954, khi con trai mới được vài tháng tuổi. Ông Dũng được gặp lại bố một lần vào năm 2004, từ đó chưa liên lạc lại, vì thế ông trông đợi có được thông tin về bố mình hiện nay. Mẹ ông Dũng đã mất năm 1986.

"Tôi mong Nhật hoàng và Hoàng hậu luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và giúp quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp", ông Dũng nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh