Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiêm ngừa Covid-19
- Tây Y
- 02:32 - 22/06/2021
Chiều 21/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori. Cùng dự còn có đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Ngoại giao của hai nước.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Hai nước duy trì các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cấp.
Trong đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam ngay sau khi nhậm chức. Từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Suga Yoshihide đã điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bên cạnh sự tin cậy và quan hệ chính trị tốt đẹp, hai nước tiếp tục duy trì tiếp xúc các cấp, duy trì và tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế ở mỗi nước và thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và quốc tế.
Tái khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng, quan trọng hàng đầu, lâu dài với sự tin cậy cao trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò cường quốc toàn cầu, đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật đã chuyển 1 triệu liều vaccine vào ngày 16/6 vừa qua, kịp thời hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược vaccine ở những địa bàn trọng điểm.
Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori cũng gửi lời cảm ơn Việt Nam đã gửi tặng khẩu trang y tế vào năm ngoái khi Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn về vật tư y tế trước dịch bệnh COVID-19, đồng thời thông báo dự kiến đến tháng 11 tới, tất cả người dân Nhật Bản sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Ông Oshima Tadamori khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ chế, các tổ chức quốc tế như WHO, Liên hợp quốc, các nước G7… để hỗ trợ vaccine cho tất cả các nước trên thế giới.
Đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo tất cả người dân được tiêm vaccine COVID-19, làm cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; cảm ơn Việt Nam luôn giúp đỡ các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn tăng cường kết nối hai nền kinh tế với nhau, trên cơ sở Tuyên bố chung trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 với 3 nội dung cốt lõi, đó là kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế có tính chất bổ sung cho nhau.
Kết nối để tăng cường năng lực sản xuất ở mỗi nước và tăng cường kết nối về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, ông Vương Đình Huệ mong Nhật Bản tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, tiếp nhận nhiều hơn các thực tập sinh, tiếp nhận lao động Việt Nam để giải quyết nhu cầu lao động đang rất lớn của doanh nghiệp Nhật Bản.
Về quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước, hai bên đều nhấn mạnh bên cạnh giao lưu tin cậy giữa Chính phủ và người dân hai nước thì giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội hai nước có vai trò rất quan trọng, cần tiếp tục được thúc đẩy.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cần phối hợp, trao đổi kinh nghiệm giúp Việt Nam xây dựng hệ thống pháp luật sát thực tế, có tính ổn định và dễ đoán định để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản phát triển mạnh mẽ.
Tại hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục giao lưu thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nghị sĩ hai nước, nhất là nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ, nhóm nghị sĩ hữu nghị;
Đồng thời, tăng cường giao lưu nhân dân hai nước thông qua tổ chức các đoàn nghị sĩ các địa phương hai nước thăm, làm việc, xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch và giao lưu văn hóa tại Việt Nam.
Về các vấn đề quốc tế, hai bên bày tỏ coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo cùng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982;
Ngoài ra, hai bên cũng đcánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết khủng hoảng tại Myanmar với bản "Đồng thuận 5 điểm" mang lại cho người dân Myanmar hy vọng chấm dứt bạo lực.